![]() |
Julian Assange (trái) và Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino hôm qua vẫy tay từ cửa đại sứ quán ở trung tâm London. Ảnh: AFP |
Trong cuộc phỏng vấn với AFP nhân dịp kỷ niệm kỳ lạ này, người đàn ông đứng đằng sau trang web từng gây phẫn nộ cho Washington, khẳng định các nhà ngoại giao có thể chấm dứt sự bế tắc ông đang gặp phải.
Như bước ra từ một cuốn tiểu thuyết tình báo, Assange, một cựu tin tặc 41 tuổi đến từ Australia, vào đại sứ quán Ecuador tại London hôm 19/6/2012 và xin tị nạn. Nỗ lực gây tiếng vang của ông là nhằm tránh bị dẫn độ đến Thụy Điển để thẩm vấn về vụ phạm tội tình dục mà ông bị cáo buộc.
Ecuador chấp thuận lời đề nghị vì đồng ý với lo ngại của Assange rằng nếu bị gửi đến Thụy Điển, ông có thể sẽ bị đưa tới Mỹ và kết tội vì đăng tải hàng nghìn tài liệu chiến tranh tuyệt mật từ Iraq và Afghanistan cùng một kho tài liệu ngoại giao. Nhưng Anh từ chối cho ông di chuyển tới Ecuador an toàn.
Suốt một năm qua, cảnh sát đã giữ chế độ canh gác 24/24 tại cửa đại sứ quán, một căn hộ khiêm tốn nằm ở một góc gần khu mua sắm Harrods, và chỉ chực bắt nếu ông cố chạy trốn.
Assange năm ngoái cho biết ông như đang sống trong một trạm không gian. Ông dùng đèn mặt trời để bù đắp cho việc thiếu ánh sáng tự nhiên, và tập thể dục trên một máy chạy. Ông cũng quen với việc trở thành cái gai trong mắt Washington.
"Bạn hỏi tôi phải đối phó với những khó khăn của việc bị giam hãm thế nào. Thực ra thì tâm trí của tôi không bị giam cầm", ông vừa nói, vừa ngả người trên chiếc ghế trong căn phòng được trang trí tinh tế của đại sứ quán. "Hoàn cảnh vật chất khó khăn. Nhưng tôi vẫn làm việc mỗi ngày", ông cho biết.
Assange kỷ niệm một năm trú ẩn tại đại sứ quán Ecuador, khi thế giới đang chấn động vì vụ rò rỉ lớn nhất của Mỹ kể từ khi Wikileaks công bố tài liệu chiến tranh và ngoại giao năm 2010. Đó là vụ hé lộ về chương trình theo dõi điện tử của các cơ quan tình báo.
Edward Snowden, một cựu nhân viên CIA đang có mặt ở Hong Kong, cho biết lương tâm đã mách bảo anh hé lộ về quy mô vụ theo dõi của chính phủ đối với công chúng. Anh đang đối mặt với cuộc điều tra hình sự và Assange lo ngại anh sẽ bị đối xử tồi tệ như nguồn cung cấp tin cho Wikileaks, Bradley Manning.
"Snowden là một minh chứng của một anh hùng. Anh đã có hành động cực kỳ dũng cảm", Assange nói, ca ngợi Snowden vì phơi bày "tình trạng theo dõi ngầm hàng loạt" của Mỹ. "Điều chúng tôi không muốn nhìn thấy là việc anh ta có kết cục giống Bradley Manning, bị giam mà không xét xử, bị ngược đãi trong nhà tù và hiện đối mặt với án chung thân".
Manning, người lính Mỹ 25 tuổi, đang bị tòa án quân sự xử vì chuyển tài liệu điện tín chiến tranh cho Wikileaks, và các công tố viên cho rằng làm rò rỉ thông tin mật đông nghĩa với việc giúp Al-Qaeda. Việc giúp đỡ kẻ thù có thể dẫn đến án tử hình, tuy nhiên các công tố viên không tìm kiếm điều đó trong vụ của Manning.
"Họ đang cố gắng dựng lên một tiền lệ rằng nói với phương tiện truyền thông là liên lạc với kẻ thù - một tội mang án tử", Assange nói. "Điều bị đe dọa trong phiên xử là tương lai của báo chí ở Mỹ và ở phần còn lại của thế giới".
Người ta thường xuyên nhắc đến cái tên của người đàn ông tóc bạch kim làm chủ Wikileaks trong tòa án quân sự, vốn bắt đầu vào ngày 3/6. Assange tuyên bố có một bản cáo trạng bí mật chống lại ông, và việc kết án ông chắc chắn 99% sẽ xảy ra nếu ông ở trên lãnh thổ Mỹ.
Trọng Giáp