Cả phòng bệnh 406 nhà B, Viện mắt trung ương bấy lâu nay đều gọi chú Tuấn bằng một cái tên thân mật Tuấn "anh nuôi". Với chất giọng đặc sệt khu 4, chú bảo mình có gì đâu để mà nhắc tới, để mà viết. Nhưng không chỉ riêng tôi mà bất cứ ai chứng kiến những việc làm cao quý mà bình dị của chú đều cảm phục tấm lòng của một người đồng hương với Bác Hồ. Chú luôn thấm nhuần câu nói của Bác: "Quan san muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em".
Cứ mỗi lần tôi đến thăm người bà con đang phải nằm điều trị ở viện mắt là lại gặp chú Tuấn "anh nuôi" đang bận rộn với những công việc giúp người bệnh. Lúc thì chú cầm cái chổi quét toàn bộ phòng bệnh, rồi cả lan can, có khi lại đến bên những người bệnh xoa bóp, đút cháo, lấy nước sôi vào phích giúp mọi người...
Sinh ra và lớn lên ở làng Thái Sơn, Nghi Thái, Nghi Lộc, Nghệ An, chú Nguyễn Quốc Tuấn từng "vào sinh ra tử" trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ tại mảnh đất Quảng Trị đau thương. Trở về đời thường với di chứng của chất độc da cam và giấy công nhận thương binh hạng 4/4, chú vẫn cố gắng cùng người vợ thảo hiền nuôi 7 đứa con ăn học, trưởng thành.
Cứ tưởng như những người con đã trưởng thành thì mình sẽ nhàn hạ nhưng ngờ đâu nỗi đau liên tiếp ập tới. Một đứa con mắc bệnh hiểm nghèo đã ra đi vĩnh viễn vài năm trước, giờ đây, người vợ hiền cũng phải vào điều trị mắt mà chú cũng chẳng biết bao giờ hai vợ chồng mới thoát ra được cái bệnh viện này.
Trong nỗi ngậm ngùi buồn bã, chú tâm sự: "Mấy hôm trước, tôi đã phải về quê vay mượn và bán sạch những kg lạc cuối cùng để mang tiền ra Hà Nội chữa trị mắt cho bà nhà". Gia đình khó khăn nên tôi luôn thấy chú chỉ có một bộ quần áo chiếm được của lính ngụy Sài Gòn ngày xưa khoác trên mình trong những ngày Hà Nội lạnh tê tái.
Vào bệnh viện thì ai cũng đau, ai cũng khổ, nhất là những người nghèo từ nông thôn lên chữa trị ở Hà Nội. Nhưng tôi chưa bao giờ mảy may thấy sự bi quan, tiêu cực, cáu gắt ở chú trong suốt thời gian qua. Hoàn cảnh bi đát vậy nhưng người đàn ông đã 67 tuổi này vẫn mang hết sức mình để giúp đỡ cả phòng bệnh, mà có lúc lên tới hơn 20 người nằm điều trị. Cứ đến gần bữa ăn, chú Tuấn "anh nuôi" lại đi đến các giường bệnh xách toàn bộ ca, cặp lồng, túi... để đi mua cơm, mua cháo, bánh cho mọi người.
Những khi rỗi rãi, mọi người đã yên vị trên giường để chuẩn bị bước vào giấc ngủ thì chú lại đọc thơ, kể chuyện tâm tình cho mọi người nghe nhằm xua tan đi bầu không gian buồn bã, u ám ở phòng bệnh. Từ bệnh nhân đến những người con, người cháu đi theo chăm sóc đều cảm phục trước tấm lòng của chú. Mọi người cũng hết sức ngỡ ngàng khi biết chú là một người có kiến thức xã hội, thơ văn rất "uyên bác".
Phòng bệnh 406 giờ đây luôn luôn tràn ngập tiếng cười, niềm vui và sức mạnh tinh thần mà chú đã mang lại. Dù người bệnh có con, cháu đi theo chăm sóc hay không thì chú đều tận tình đến giúp đỡ mọi việc, kể cả những việc nhỏ nhặt nhất. Người bà con của tôi cũng nhận được sự giúp đỡ rất tình người ấy của chú. Chú còn nhắn nhủ rằng nếu các cháu bận công việc và lại ở quê không thể ra chăm sóc cả tháng trời cho dì, cho mẹ được thì chú sẽ thay các cháu giúp đỡ, chăm bà ấy. Chú luôn coi mọi người bệnh trong phòng như người nhà của mình vậy. Lòng tốt xuất phát từ sự vô tư ấy của chú nhiều lúc lại gây sự ra hiểu lầm và làm trò cười cho một số người đi ngang qua . Mỗi lúc như thế dù buồn nhưng chú không bao giờ giải thích, cứ lặng lẽ làm, lặng lẽ sống theo cái tâm của mình.
Cứ mỗi khi có người được xuất viện, chú lại đến bên họ chúc mừng và lấy cuốn sổ ra để ghi chép lại địa chỉ, số điện thoại. Chú kể với tôi rằng, người với người vốn đã là bạn, lại gặp nhau trong hoàn cảnh đau thương ở bệnh viện này thì cái tình bạn đó càng sâu sắc. Chú muốn lưu lại những thông tin về họ để mong một ngày nếu ông trời cho mình sức khỏe thì sẽ đi về các nhà chơi, thăm hỏi.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhân vật được miêu tả trong bài viết có cơ hội được lựa chọn trở thành nhân vật Thụ hưởng trong Gameshow “Vì bạn xứng đáng” phát sóng trên kênh truyền hình VTV3. Cuộc thi kéo dài đến ngày 19/1/2014. |
Nguyễn Thị Hường