Người sáng lập trang web Wikileaks Julian Assange. Ảnh: EPA. |
Assange xuất hiện trước tòa án hôm 7/12, chỉ vài giờ sau khi bị cảnh sát Anh còng tay theo lệnh bắt của Thụy Điển vì cáo buộc cưỡng hiếp và quấy rối tình dục.
Nhà làm phim Ken Loach, nhà báo John Pilger và một số người khác mỗi người góp gần 24.000 USD để nộp bảo lãnh tại ngoại cho Assange, nhưng đề nghị tại ngoại của Assange bị từ chối. Giới chức Anh nói rằng họ sợ ông sẽ chạy khỏi Anh.
Cảnh sát phong tỏa con phố bên ngoài tòa án khu Westminster City khi chiếc xe màu đen chở nhiều nhân viên an ninh và một người đàn ông tóc bạc được cho là Julian Assange tiến vào bãi đậu xe. Theo AFP, Assange tỏ ra bình tĩnh trước tòa. Ông mặc complete màu xanh đậm, áo sơ mi trắng. Cựu hacker này bác bỏ cáo buộc của Thụy Điển và cho rằng chúng mang động cơ chính trị.
Trong khi đó, Wikileaks tuyên bố việc giam giữ người sáng lập của họ sẽ không ngăn được trang này cung cấp thêm các tài liệu mật của Mỹ. "Hành động chống lại tổng biên tập Julian Assange sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của chúng tôi. Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin thêm tối nay như thường lệ", trang này thông báo trên Twitter.
Các luật sư của Assange trước đó khẳng định họ sẽ nỗ lực hết sức để chống lại việc thân chủ của họ bị dẫn độ tới Thụy Điển. Tiến trình pháp lý này có thể kéo dài vài tuần, thậm chí vài tháng.
Assange bị truy nã quốc tế theo yêu cầu của Thụy Điển vì cáo buộc cưỡng hiếp và quấy rối tình dục. Lệnh truy nã được đưa ra sau khi Wikileaks công bố các thông tin nhạy cảm về chiến tranh Iraq, Afghanistan và ngoại giao Mỹ. Assange bác bỏ cáo buộc nói trên.
Julian Assange sinh ra tại thành phố Townsville, bang Queensland, miền bắc Australia năm 1971 và từng là một hacker khét tiếng. Ông và các cộng sự cho ra đời trang Wikileaks nãm 2006. Wikileaks gây chấn động dư luận năm nay với ba lần tung các tài liệu mật của Mỹ, bao gồm 90.000 tài liệu về chiến tranh Afghanistan, 400.000 tài liệu về chiến tranh Iraq và mới đây nhất là 250.000 thư tín ngoại giao của Mỹ.
Ngọc Sơn