Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo của Tổng công ty Xăng dầu Quân đội cho hay, cây xăng tại 2B Trần Hưng Đạo giấy phép Sở Công Thương thành phố Hà Nội cấp vẫn còn hiệu lực đến 2014.
“Tôi khẳng định là có giấy phép. Có giấy phép chúng tôi mới làm, chứ không làm sao dám. Doanh nghiệp thuộc Nhà nước, không phải của tư nhân, chúng tôi sao dám làm sai. Nghe thông tin từ báo chí tôi sẽ kiểm tra lại”, vị lãnh đạo cho hay.
Liên quan đến tổng thiệt hại, lãnh đạo Tổng công ty Xăng dầu quân đội cho hay, đơn vị phòng cháy chữa cháy và cơ quan công an vẫn đang thẩm định và chưa thống kê được thiệt hại. Ông khẳng định, cơ quan bảo hiểm cũng đã vào cuộc, mức bồi thường sẽ căn cứ vào hợp đồng để tính toán. |
Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Văn Đồng khẳng định cửa hàng xăng dầu 2B đã được cấp phép kinh doanh. Tuy nhiên, từ tháng 2/2011, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội có văn bản gửi Sở Công Thương xin dừng hoạt động kinh doanh và chỉ cấp phát nội bộ. “Sở Công Thương đã kiểm tra và lập biên bản. Hiện nay trạm 2B Trần Hưng Đạo chỉ cấp phát nội bộ chứ không phải là cửa hàng kinh doanh xăng dầu”, Phó giám đốc Sở Công Thương tái khẳng định.
Trả lời VnExpress.net về việc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội khẳng định có giấy phép kinh doanh có hiệu lực đến năm 2014, ông Đồng cho hay: “Khả năng họ sử dụng giấy phép cũ, giấy phép photo”.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, trạm xăng dầu xảy ra hỏa hoạn không còn nằm trong mạng lưới kinh doanh xăng dầu của thành phố. Trạm 2B Trần Hưng Đạo đã dừng hoạt động kinh doanh, nếu muốn mở bán xăng dầu lại, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội phải xin phép hoạt động lại. “Trường hợp bán ra ngoài không đúng quy định là sai. Sai đến đâu sẽ xử lý đến đó căn cứ theo quy định của pháp luật”, ông Đồng khẳng định.
Tại cuộc họp ngày 5/6, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Võ Văn Quyền cũng khẳng định, đến năm năm 2011, do diện tích đất đai hẹp lại xen lấn các công trình, Tổng công ty xăng dầu Quân đội đã trả lại mặt bằng và báo cáo Bộ Công Thương không còn kinh doanh tại đây nữa. Trạm xăng 2B Trần Hưng Đạo chỉ có nhiệm vụ cấp phát cho các đơn vị quốc phòng.
Vừa qua, việc kinh doanh xăng dầu xảy ra nhiều vụ như bảo kê thu tiền “mãi lộ”, pha chế, mua bán xăng dầu trái phép và gần đây là vụ hoả hoạn cây xăng Trần Hưng Đạo. Bộ Công thương yêu cầu rà soát lại các điểm kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc. Bộ đã có công văn hoả tốc gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương chỉ đạo về việc tăng cường rà soát, kiểm tra lại các địa điểm kinh doanh xăng dầu.
Liên quan đến vụ hỏa hoạn tại trạm xăng ở đường Trần Hưng Đạo, ông Quyền cho biết, Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội rà soát lại quy hoạch để bố trí cây xăng cho phù hợp.
“Cây xăng mọc lên quá nhiều trong khi nhu cầu mua ít, hiệu quả kinh doanh thấp, một số cửa hàng đã làm việc phi pháp. Sở Công Thương sẽ siết quản lý và đối phó với các cây xăng trá hình dưới dạng rửa xe, thay dầu mỡ”, ông Quyền khẳng định.
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường cho hay mỗi năm Cục đã kiểm tra hơn 7.000 vụ vi phạm về xăng dầu, xử phạt hơn 1.150 vụ. Tổng số tiền phạt gần 8,6 tỷ đồng và tước giấy phép kinh doanh 43 cửa hàng. |
Hoàng Lan