![]() |
Đàn gà đang được Thú y kiểm đếm chuẩn bị chôn hủy. |
Trại gà Ngọc Dũng, xã Tân Túc, huyện Bình Chánh, nổi tiếng có quy mô lớn 60.000 gà đẻ, cung cấp cho thị trường 40.000 quả trứng/ngày. Giờ đây khi cơn đại dịch cúm gà đang ngấp nghé cửa ngõ thành phố, cả trại chìm trong lo lắng.
Chủ trại Huỳnh Thị Lệ cho biết, tối 16/1, hay tin thành phố chủ trương cấm lưu thông, tiêu thụ các loại gia cầm, kể cả sản phẩm của chúng và tổ chức diệt trừ gà, vịt còn sống, chị mất ngủ cả đêm. Đến 8g sáng hôm sau, chị quyết định gọi điện thoại đến Chi cục Thú y đăng ký tự nguyện diệt toàn bộ trại gà.
Chị buồn bã tâm sự, đàn gà của mình vẫn còn khỏe mạnh, dù gần đây sản lượng trứng có hơi sút kém. Hàng năm trời mới gây dựng được đàn như vậy, giờ phải phá hủy tất, rất xót xa. Nhưng từ khi có dịch, thị trường không tiêu thụ trứng, thịt gà nữa, trong khi chi phí chăm sóc tốn kém, riêng tiền thức ăn mỗi ngày đã mất 20 triệu đồng. "Chong đèn cả đêm, tôi quyết định làm theo chính sách của thành phố vẫn hơn. Đằng nào cũng phải diệt gà, sớm được hưởng giá hỗ trợ 15.000 đồng/con, để thêm vài ngày nữa giảm chỉ còn 5.000 đồng/con thì càng lỗ nặng".
Trong nắng gắt đầu giờ chiều, gần 20 cán bộ thú y, công an, và đại diện Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn đã có mặt lập biên bản kiểm kê đàn gà trại Ngọc Dũng. Ở góc trại, chiếc máy xúc Kamaz gầm rú đào những hố sâu 3m. Cả lực lượng của trại cùng với đoàn kiểm tra liên ngành phải làm việc đến hôm sau mới hoàn tất được việc tiêu hủy, bởi đàn gà của trại quá lớn.
![]() |
Gà đang được công nhân dồn vào bao, chất đống trên lối đi. |
Chị Lệ nuối tiếc nhắc lại thời kỳ hoàng kim nuôi gà, mỗi ngày riêng tiền trứng thu về 30 triệu đồng. Những năm trước, cứ đến Tết là giá trứng cũng tăng ít nhiều nên cả công nhân lẫn chủ trại đều phần khởi. Năm 2003, dự tính thị trường sẽ mở rộng, chị Lệ đã vay ngân hàng 3 tỷ đồng để đầu tư nâng tổng giá trị trang trại lên 5 tỷ đồng. Trông chờ cả năm vậy mà sát Tết lại có dịch. "Tôi đau lòng quá. Tính ra cả đàn gà giết hết được hỗ trợ khoảng 900 triệu đồng chẳng thấm vào đầu số thiệt hại hơn 4 tỷ. Không biết thành phố có cách gì giúp trại giãn nợ ngân hàng không?" - chị Lệ nói.
![]() |
Chở gà ra hố chôn, rồi mai này cuộc sống họ ra sao? |
Sự sụp đổ của trại gà Ngọc Dũng sẽ đẩy 15 công nhân chăn nuôi vào cảnh thất nghiệp. Tết này, thay vì khoản thưởng kha khá như mọi năm, họ đành về quê với vài trăm nghìn tiền hỗ trợ. Anh Nguyễn Văn Việt quê Tiền Giang lững đẫm mồ hôi, đẩy xe đưa những bao gà còn sống xuống hố đất phía xa. Trao đổi với VnExpress, anh nghẹn ngào: "Vợ và hai con tôi ở quê chỉ có công đất ruộng nho nhỏ. Cả nhà chỉ trông vào khoản lương 900.000 đồng/tháng của tôi ở trại. Giờ xảy ra chuyện thế này, chẳng biết tính thế nào. Về quê ăn Tết cũng là thất nghiệp luôn".
Những công nhân khác ở trại Ngọc Dũng cũng chung hoàn cảnh. Hầu hết họ là người miền Tây, gia đình ở quê cũng đang khó khăn với nạn dịch gà hoành hành dữ dội. Họ chỉ mong hết dịch gà, trại chăn nuôi tiếp tục hoạt động để lại được vào làm việc.
Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM Huỳnh Hữu Lợi cho biết ngay sau khi thành phố quyết định cấm toàn bộ việc kinh doanh gia cầm, trứng và ra lệnh tiêu hủy gà ở những vùng giáp ranh vùng dịch, rất nhiều hộ chăn nuôi đã gọi điện đăng ký xin tự nguyện chôn hủy gia cầm. Ở các trạm thú y các quận, huyện, lực lượng mỏng không đủ đáp ứng yêu cầu của bà con. Thành phố trước mắt sẽ ưu tiên chôn hủy cho các trại gia cầm quy mô lớn từ vài ngàn con trở lên ở những vùng đã phát hiện dịch bệnh như Bình Chánh, quận 9, Thủ Đức. Những hộ chăn nuôi khác đã có đơn tự nguyện sẽ được đảm bảo chế độ hỗ trợ.
Thiên Nguyên