![]() |
Chủ tọa phiên tòa Bùi Hoàng Danh tại cuộc họp báo. |
- Ông có cho rằng xử vụ án này sẽ gửi một thông điệp tới các quan chức tham nhũng khác không? Theo ông, phải chăng sẽ có vài quan chức bị đưa ra xét xử trong thời gian tới? Nếu có thì đó là ai và khi nào?
- Chúng ta phải xác định lại vụ án này là vụ án hình sự mang tính chất trị an, hoàn toàn không phải là vụ án tham nhũng. Tuy nhiên trong đó có một số bị cáo phạm tội nằm trong nhóm tội tham nhũng đã bị xét xử. Về nguyên tắc chung của pháp luật VN là giáo dục, răn đe, phòng ngừa và trừng trị người phạm tội. Vụ án này hay bất kỳ vụ hình sự nào khác đều phải tuân theo nguyên tắc đó. Nếu có ai phạm tội đều bị đưa ra xét xử bất kể người đó ở cương vị nào. Thời điểm nào là không xác định được, vì hiện nay chúng tôi chưa biết được ai là người phạm tội.
- Ông có cho rằng tất cả các bị cáo kể cả Năm Cam đều đã được xét xử công bằng không? Một số người cho rằng Năm Cam bị trừng trị nặng hơn mức đáng phải chịu vì ông ta được coi là tấm gương để răn đe người khác, ông có bình luận gì?
- Về chính sách hình sự của VN là xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Hành vi phạm tội đến đâu thì chịu mức hình phạt đến đó. Các bị cáo kể cả Năm Cam đã được nhận mức hình phạt công bằng theo đúng pháp luật.
- Tòa án đã nhận định các quan chức nhà nước làm mất lòng tin của nhân dân, liệu dân chúng sẽ nghĩ gì về bản án của họ khi so với mức án tử hình và mức án tù lâu năm hơn của các bị cáo khác? Ông có cho rằng vụ án này sẽ góp phần vào quá trình cải cách tư pháp và chống tham nhũng không?
- Mức án của các bị cáo nguyên là cán bộ nhà nước không thể so sánh được với các phạm nhân khác vì họ phạm tội khác nhau, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội từng bị cáo khác nhau, cũng như không thể so sánh mức án giữa những bị cáo khác với nhau được. HĐXX quyết định mức án căn cứ vào mức độ, hành vi phạm tội kể cả nhân thân của bị cáo và đánh giá tổng hợp. Tòa án và các cơ quan tư pháp đang thực hiện chương trình cải cách tư pháp, vụ án này được xét xử cũng đang trong quá trình cải cách đó. Tôi tin vụ án này có tác dụng răn đe phòng chống tội phạm tốt hơn.
- Tại sao những bị cáo như Phạm Sĩ Chiến, Bùi Quốc Huy, Trần Mai Hạnh không bị bắt giam trong quá trình điều tra và kể cả sau khi tuyên án?
- Với cương vị là chủ tọa phiên tòa, tôi trả lời vì 3 bị cáo đó được tại ngoại trong giai đoạn điều tra. Trong khi xét xử và sau khi tuyên án, chỉ bắt bị cáo đang tại ngoại khi hội đủ hai điều kiện sau: người đó phải có hành vi bỏ trốn và có hành vi phạm tội mới. Cụ thể trong vụ án này đã có bị cáo Trần Thị Cẩm bị truy tố về tội đánh bạc, trong quá trình xét hỏi bị cáo về địa phương tiếp tục đánh bạc, nhân danh chủ tọa tôi đã ra lệnh bắt giam ngay. Còn những bị cáo khác vẫn để tiếp tục tại ngoại đến khi bản án phúc thẩm có hiệu lực vì các bị cáo có thể kháng án.
- Với vai trò là chủ tọa, ông đánh giá vai trò của đại diện Viện kiểm sát và luật sư trong phiên tòa này như thế nào, vai trò đó đã thể hiện tới đâu theo tinh thần cải cách tư pháp?
![]() |
Nhiều phóng viên nước ngoài đặt câu hỏi về vụ Năm Cam. |
- Vai trò của Viện kiểm sát cũng như vai trò của luật sư tại phiên tòa nói chung đều làm hết trách nhiệm của mình. Tinh thần trách nhiệm thể hiện rất cao trong quá trình nghiên cứu hồ sơ cũng như xét hỏi, tham gia tranh tụng tại tòa, không phải tất cả mỗi lời luật sư đặt ra Viện kiểm sát đều phải trả lời.
- Luật sư có hành vi vu khống thì có bị truy tố không?
- Theo pháp luật VN, tất cả công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu luật sư có hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan chức năng sẽ thực thi trách nhiệm của mình.
- Các bị cáo Trần Mai Hạnh, Phạm Sĩ Chiến không có quyền lực để có thể thả Năm Cam trước thời hạn, quyết định đó là của những người có thẩm quyền cao hơn, vậy tại sao những người đó không có mặt tại tòa?
- Trong quá trình điều tra, chứng cứ tại hồ sơ thì bị cáo Hạnh và Chiến là người có hành vi tác động để Năm Cam được tha, hồ sơ chưa chứng minh việc quyết định đó có được thực hiện hay không. Bị cáo Chiến và Hạnh phải chịu trách nhiệm về hành vi nhận hối lộ của mình.
- Đây là giai đoạn đầu của chuyên án Năm Cam, vậy giai đoạn 2 bao giờ tiến hành điều tra? Có những ai liên quan?
- Tôi là chủ tọa phiên tòa Năm Cam xét xử vụ án khi Viện kiểm sát truy tố, còn giai đoạn điều tra, khởi tố là giai đoạn trước đó, chúng tôi không trả lời câu này được.
- HĐXX có thấy khó khăn khi nghị án không trong khi tranh luận giữa Viện kiểm sát và luật sư chưa đầy đủ?
- Về nguyên tắc nghị án, HĐXX đều xem xét toàn bộ chứng cứ có trong hồ sơ và được thẩm tra tại tòa, xem xét toàn bộ chứ không phải một vấn đề.
- Tại sao bị cáo Trần Lệ Nguyên được hưởng án treo trong khi những bị cáo khác cùng phạm tội đánh bạc với số tiền ít hơn thì có mức án tù giam?
- Khi quy định hình phạt, HĐXX căn cứ vào hành vi, tính chất, mức độ phạm tội cũng như xem xét đến nhân thân và những tình tiết giảm nhẹ khác. Bị cáo Trần Lệ Nguyên là người ra đầu thú thứ hai sau Lương Cẩm Huy, bị cáo cộng tác cùng cơ quan điều tra, giúp cơ quan điều tra đấu tranh chống tội phạm. Một điểm nữa là áp dụng Điều 200 Bộ luật Hình sự 1985 chứ không phải là Điều 248 Bộ luật Hình sự 1999 nên đủ điều kiện hưởng án treo.
- Những bị cáo chịu án treo nhưng đã bị tạm giam trước thì xử lý như thế nào?
- Án treo là một mức hình phạt chấp hành có điều kiện. Do đó nếu trong quá trình thử thách mà bị cáo phạm tội mới cố ý bất kỳ sẽ chuyển thành án giam (được khấu trừ thời gian tạm giam trước đó). Hoặc bị cáo phạm tội mới do lỗi vô ý nhưng bản án sau bị xử án giam thì án treo cũng bị chuyển thành án giam.
- Xin ông cho biết sau khi tòa sơ thẩm, tuyên xét xử phúc thẩm sẽ diễn ra khi nào? Một khi Năm Cam đã bị kết án tử hình thì bị cáo có thể xin Chủ tịch nước ân xá không? Bao giờ mức án tử hình sẽ được thi hành? Xin cho biết các thủ tục, thời gian diễn ra việc kháng cáo đối với bị cáo Trương Văn Cam như thế nào?
- Điều 215 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, thời gian xét xử cấp phúc thẩm của TAND Tối cao là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý hồ sơ. Khoản 1 điều 208 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định 7 ngày sau khi bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, bị cáo bị kết án tử hình được làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm. Theo khoản 2 điều 228 Bộ luật Tố tụng hình sự, người bị mức án tử hình phải thi hành án khi không có kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Tối cao, TAND Tối cao và bị cáo không có đơn xin ân giảm. Nếu có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm thì phải chờ có quyết định của Chủ tịch nước bác đơn mới đưa ra thi hành bản án. Khoản 1 điều 208 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thời hạn kháng cáo là 15 ngày đối với người có mặt tại phiên tòa (kể tất cả bị cáo) kể từ khi bản án được tuyên (người vắng mặt kể từ ngày giao hoặc niêm yết bản án). Thời hạn kháng nghị là 15 ngày đối với Viện kiểm sát cùng cấp và 30 ngày với cấp trên trực tiếp.
- Có một bị cáo được miễn hình phạt đó là ai? Có thể tuyên bị cáo này vô tội không?
- Bị cáo được miễn hình phạt là Đàm Nguyệt Hương (phạm tội gá bạc). Miễn hình phạt là người có tội chứ không phải là vô tội. Nhưng xét vì điều kiện hoàn cảnh và tính chất của vụ án nên tuyên miễn hình phạt (khác với miễn trách nhiệm hình sự).
- Xin chủ tọa cho biết vai trò tham gia của thư ký luật sư trong phiên tòa vì Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định điều này? Còn khi thư ký phát biểu ý kiến thì với tư cách nào?
- Theo quy định thư ký tham gia tố tụng không được có bất kỳ ý kiến gì. Chủ tọa cho phép thư ký luật sư Đặng Văn Luân tham gia tố tụng vì xét lý do luật sư Luân đang ở phía Bắc, không có thời gian theo dõi suốt diễn biến phiên tòa cho nên cho phép một thư ký theo dõi ghi chép khi luật sư vắng mặt. Tuy nhiên khi thư ký đưa bút lục chỉ nêu ngày tháng nhưng thư ký đã phát biểu ngay sai, chủ tọa đã chấn chỉnh ngay tại phiên tòa đề nghị luật sư xem lại.
- Biện pháp nào đảm bảo các kiến nghị của tòa được thực hiện?
- Theo quy định của pháp luật, bản án của tòa án phải được các bị cáo và các cơ quan pháp luật thực hiện. Còn khi thực hiện kết quả ra sao là vấn đề khác.
- Là người tuyên 6 án tử hình, 5 án chung thân trong một vụ án toàn những nhân vật cộm cán hoạt động theo kiểu xã hội đen, ông có thấy lo sợ và đề nghị biện pháp nào để bảo vệ cho mình?
- Nói chung trong quá trình công tác, chúng tôi đã tham gia xét xử những vụ mang tính nghiệm trọng, mức hình phạt cao nhưng chúng tôi luôn tin tưởng có nhân dân bảo vệ mình, không có ai bảo vệ tốt bằng nhân dân. Bên cạnh đó còn có luật pháp nữa.
- Phiên tòa này là phiên tòa lớn đầu tiên diễn ra theo tinh thần cải cách tư pháp. Vậy những phiên tòa sau có tiếp tục được xử theo hướng đó nữa không? Qua vụ án này, rút ra bài học gì cho việc cải cách tư pháp?
- Những phiên tòa sau đều được tiến hành theo đúng tinh thần đó. Sau phiên tòa này chúng tôi sẽ họp lại và rút kinh nghiệm chung.
Nhóm phóng viên