Cuối tháng 8, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định xử phạt hành chính đối với quỹ ngoại DFJ VinaCapital Venture Investment và ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (mã chứng khoán: YEG) với tổng số tiền 195 triệu đồng. Nguyên nhân là do hai nhà đầu tư này không báo cáo Ủy ban chứng khoán về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu YEG.
Tuy nhiên, theo giải trình mới đây của ông Tống, ngoại trừ DFJ VinaCapital Venture Investment thoái vốn ròng thì các cổ đông nội bộ khác của Yeah1 đều chưa bán cổ phiếu và vẫn tuân thủ cam kết nắm giữ theo quy định hiện hành.
Bản chất của giao dịch này là DFJ VinaCapital Venture Investment bán 7,82 triệu cổ phiếu đang nắm giữ cho nhà đầu tư nước ngoài và giao dịch sẽ thực hiện khi cổ phiếu YEG niêm yết. Tuy nhiên, quỹ đầu tư này đang là cổ đông nội bộ của công ty nên không thể chuyển nhượng trực tiếp cho nhà đầu tư nước ngoài.
Đại diện Yeah1 cho biết, nhằm đảm bảo việc bán cổ phiếu được thực hiện như thỏa thuận, các cổ đông đã đàm phán và thống nhất giao dịch theo ba bước.
Đầu tiên, DFJ VinaCapital Venture Investment bán lượng cổ phiếu này cho ông Tống. Tiếp đến, ông Tống bán lại cho sáu cá nhân không thuộc diện cổ đông nội bộ, cổ đông lớn và không bị hạn chế chuyển nhượng. Cuối cùng là sáu cá nhân nhận chuyển nhượng 7,82 triệu cổ phiếu giao dịch thỏa thuận với nhà đầu tư nước ngoài vào ngày thứ hai sau khi YEG niêm yết với giá 300.000 đồng một cổ phiếu.
“Quá trình cấu trúc này diễn ra trước khi niêm yết và cổ đông sơ suất không công bố thông tin vì đây là thời điểm Yeah1 vừa được chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng”, ông Tống nói.
Ngoài ra, theo cam kết với nhà đầu tư ngoại thì sau khi giao dịch hoàn tất, cổ đông nội bộ của Yeah1 sẽ mua cổ phiếu mới do công ty phát hành bằng 50% số lượng đã bán (tương đương 3,91 triệu cổ phiếu).
DFJ VinaCapital Venture Investment là cổ đông nội bộ nên phải mua vào. Tuy nhiên, vì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sau giao dịch trước đó đã xấp xỉ mức trần 49% nên quỹ đầu tư này không thể mua thêm. Ông Tống sau đó phải chi 1.173 tỷ đồng để thực hiện giao dịch nhằm đảm bảo cam kết. Tính đến cuối tháng 8, ông Tống đang nắm giữ 11,33 triệu cổ phiếu, tương ứng 37,08% vốn điều lệ YEG.
Trao đổi với VnExpress, giám đốc một công ty chứng khoán tại TP HCM nhận định các bên tham gia giao dịch này “đã lách luật một cách khéo léo” nên chỉ bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt vì lỗi không công bố thông tin.
“Quá trình này nhiều khả năng được tính toán từ trước, tạo nên làn sóng mua vào ở mức trên 300.000 đồng một cổ phiếu nhưng sau đó bị ‘úp sọt’ khi giảm sàn liên tiếp. Việc ông Tống có thực sự chi nghìn tỷ cho giao dịch mua thêm cổ phiếu hay không cũng là một dấu hỏi lớn, bởi điều này phải được chứng minh bởi số liệu cụ thể và có thể cần ngân hàng, công ty chứng khoán... xác nhận”, vị này nói.
Theo ông, giao dịch của cổ đông nội bộ càng khiến nhà đầu tư nghi ngờ về tính minh bạch của Yeah1. Hình thức “mông má”, “tân trang” công ty niêm yết trước ngày lên sàn như doanh nghiệp này là một ví dụ điển hình làm xấu đi hình ảnh thị trường chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh VIệt Nam đang cần được thăng hạng để tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng.
Chính thức niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) từ cuối tháng 6, Yeah1 khi đó trở thành một trong những cổ phiếu đắt giá nhất thị trường. Giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu này là 250.000 đồng, thậm chí còn cao hơn cả những "ông lớn" trên thị trường như Vinamilk, Sabeco hay Vietjet. Tuy nhiên, diễn biến sau khi lên sàn của cổ phiếu này lại khiến không ít nhà đầu tư cảm thấy khó hiểu.
Tăng trần liên tục trong ba phiên đầu tiên đưa YEG trở thành cổ phiếu đắt giá nhất thị trường với hơn 340.000 đồng. Chỉ sau sáu phiên giảm sàn liên tục, cổ phiếu YEG thậm chí về dưới mức giá khởi điểm phiên giao dịch đầu tiên. Tiếp theo đó là chuỗi ngày giao dịch với những phiên trần - sàn đan xen.
Sau hơn hai tháng có mặt trên thị trường, giá mở cửa phiên giao dịch sáng 5/9 của YEG xấp xỉ 210.000 đồng, giảm 40% so với mức đỉnh từng xác lập.
Phương Đông