
Vietinbank khẳng định đã rút ra bài học kinh nghiệm đau xót sau vụ Huyền Như. Ảnh: Hải Duyên.
Nhưng cũng giống như những gì Vietinbank chia sẻ với báo chí khi vụ án được đem ra xét xử, ông Phạm Huy Hùng chỉ coi đây là sự cố rủi ro đáng tiếc mà ngân hàng không lường trước được.
"HĐQT và ban điều hành nhận thức, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm đau xót, trong đó đặc biệt là bài học về quản lý con người, cơ chế kiểm soát nội bộ", ông Hùng cho biết tại Đại hội cổ đông Vietinbank 2014 diễn ra sáng nay ở Hà Nội - sự kiện quan trọng, quyết định hội đồng quản trị ngân hàng nhiệm kỳ mới. Cá nhân ông không còn là đại diện vốn nhà nước, cũng không tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị sau hàng chục năm gắn bó với Vietinbank.
* Vietinbank không bồi thường vụ Huyền Như
Trước cổ đông, một lần nữa ông Phạm Huy Hùng cũng khẳng định những giao dịch trong vụ án này là bất hợp pháp, không đúng pháp luật. "Giao dịch ký ủy thác bên ngoài, tất tần tật làm bên ngoài, từ hợp đồng giả, chữ ký giả và giao cho cô Như làm hết. Đó là những giao dịch không bình thường, không đúng pháp luật", ông Hùng nói.
Ông cũng chia sẻ, nhiều người đặt vấn đề Vietinbank có nên xin lỗi sau sự việc này. Tuy nhiên, ông khẳng định từ trước đến nay hàng triệu tài khoản của khách hàng cá nhân, hàng vạn tài khoản của doanh nghiệp giao dịch nhiều năm nay tại Vietinbank đều không vấn đề gì.
"Chỉ có mấy tổ chức với các công ty sân sau làm lung tung mới bị thế", ông nói.
Về xử lý kỷ luật, ông Hùng cho biết đã xử lý trách nhiệm hành chính với Ban giám đốc chi nhánh TP HCM, phê bình kiểm điểm rút kinh nghiệm với cấp ủy Chi nhánh, xử lý kỷ luật và trách nhiệm của ban giám đốc, nhân viên.
Vụ án nguyên cán bộ Vietinbank - Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng sắp xử phúc thẩm. Với chiêu thức tạo dựng uy tín rồi huy động tiền lãi suất cao, Huyền Như đã không thể trả hàng nghìn tỷ đồng cho các bên, và được cho là đã lợi dụng vị trí của mình tại Vietinbank, làm giả con dấu, lừa tiền nhiều khách hàng. Một số ngân hàng, trong đó có ACB chịu thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vì vụ việc này. Họ không đồng tình với lập luận của Vietinbank cũng như cơ quan tố tụng và cho rằng họ đã tin Vietinbank để gửi tiền, chứ không gửi cho Huyền Như.
Trước đó, tại phiên sơ thẩm, tòa đã kết luận Vietinbank không phải bồi thường các thiệt hại do Huyền Như gây ra.
Nhớ lại thời điểm năm 2011 khi sự cố Huyền Như xảy ra, ông Phạm Huy Hùng thừa nhận hạ tầng khi đó còn thấp, mọi phương diện của ngân hàng còn yếu nên khả năng đề kháng trước những việc khi đó thấp. Tuy nhiên, sau sự cố này, ông Hùng khẳng định hệ thống kiểm soát của Vietinbank đã đảm bảo sát sao, cập nhật hàng ngày và có thể phát hiện mọi sai sót, hành vi sai trái. "Vietinbank cam kết và đảm bảo chịu trách nhiệm hoàn toàn, đầy đủ về các giao dịch khác đã được thực hiện một cách bình thường, hợp pháp hiện nay", ông Hùng cho biết.
Chia sẻ thêm với các cổ đông, Tổng giám đốc (nay là tân Chủ tịch Vietinbank) Nguyễn Văn Thắng cho biết, ngay sau khi phát hiện vụ Huyền Như, ngân hàng đã chủ động trình báo với Bộ Công an và ban lãnh đạo đã có biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn vụ việc lừa đảo tương tự Huyền Như.
"Hiện hệ thống quản trị rủi ro của Vietinbank được xây dựng theo chuẩn Basel II với đủ 3 vòng kiểm soát, thực hiện đủ ở cả hội sở chính lẫn cấp chi nhánh. Ban triển khai dự án Basel II có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, có sự tham gia tích cực của đối tác BTMU và một số chuyên gia mà ngân hàng thuê", ông Thắng nói.
Thanh Thanh Lan