Chia sẻ nêu trên được Chủ tịch Hội đồng thành viên VEAM - Bùi Quang Chuyện đưa ra tại roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư vào Tổng công ty ngày 12/8. VEAM được thành lập năm 1990, là doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực chế tạo động cơ, máy nông nghiệp và đang chiếm 15-25% thị phần nội địa. Ngoài ra, tổng công ty này còn có nhà máy lắp ráp xe tải tại Thanh Hóa với công suất 33.000 xe mỗi năm.
Tuy nhiên, tại roadshow, các nhà đầu tư lại dành phần lớn sự quan tâm tới VEAM ở khía cạnh đầu tư tài chính vào các liên doanh. Cụ thể, VEAM đang nắm 30% cổ phần tại Honda Việt Nam, 20% tại Toyota Việt Nam và 50% vốn tại Ford Việt Nam (tính cả sở hữu thông qua công ty con).
Cùng với sự phát triển của các hãng xe, mỗi năm VEAM được chia lượng tiền mặt khá lớn trên cơ sở lợi nhuận của các liên doanh. Năm 2015, Tổng công ty nhận được 2.676 tỷ đồng lợi nhuận từ Honda, 678 tỷ đồng từ Toyota. Năm 2014 mức này lần lượt là 694 và 403 tỷ đồng. Số tiền VEAM nhận được mỗi năm tùy thuộc vào chiến lược phát triển, mở rộng của các liên doanh nêu trên.
Ngoài việc được chia tiền mặt lớn, giá trị khoản đầu tư của VEAM cũng tăng mạnh. Tổng vốn bỏ vào 3 đơn vị này ban đầu là 558 tỷ đồng, đến nay được Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) định giá khoảng 11.628 tỷ đồng.
Theo kế hoạch cổ phần hoá, Nhà nước vẫn nắm giữ 678 triệu cổ phần tại VEAM, chiếm 51% vốn điều lệ, bán cho nhà đầu tư chiến lược là 478 triệu đơn vị, chiếm 36% vốn. 167 triệu cổ phần sẽ được bán đấu giá ra công chúng qua IPO, chiếm 12,57% vốn điều lệ. Ngoài ra, VEAM bán ưu đãi cho người lao động là 5,7 triệu đơn vị, chiếm 0,43% vốn. Trong ngày 29/8 tới, VEAM sẽ tiến hành IPO với giá khởi điểm 14.290 đồng một cổ phần. Dự kiến, số tiền thu về tối thiểu gần 2.400 tỷ đồng. Vốn điều lệ sau khi cổ phần hoá tăng lên 13.288 tỷ đồng. |
Theo báo cáo của công ty mẹ năm 2015, VEAM đạt doanh thu 5.330 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.335 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận từ công ty liên kết đã lên tới 3.400 tỷ đồng.
Lợi nhuận từ liên doanh nhiều năm liền đóng vai trò chính, thậm chí bù lỗ cho công ty nên nhiều ý kiến cho rằng kết quả mà VEAM có được là nhờ ưu thế đại diện vốn Nhà nước, được hưởng lợi mà "không cần làm gì".
Trả lời VnExpress, Chủ tịch HĐTV – Bùi Quang Chuyện khẳng định không có chuyện VEAM "không làm gì cũng nhận nghìn tỷ". Ngược lại, doanh nghiệp có nhiều đóng góp quan trọng cho các liên doanh xe tại Việt Nam.
Theo đó, VEAM không chỉ góp vốn mà còn là đối tác trong các liên doanh. Công ty đã cử người đại diện phần vốn, mỗi liên doanh có một phó giám đốc và nhiều cán bộ, nhân viên thuộc phòng ban chức năng tham gia kinh doanh, hoạch định chiến lược phát triển. Ngoài ra, VEAM còn được giao làm đầu mối giao dịch, liên hệ với các bộ ngành giải quyết các vướng mắc về chính sách cho các liên doanh ở Việt Nam.
"Người đại diện vốn ở các doanh nghiệp có vai trò rất lớn, quyết định có đầu tư thêm, phát triển sản phẩm, thị trường và phân phối sản phẩm đảm bảo cung cấp, đạt hiệu quả cao nhất. VEAM được trao quyền đại diện vốn Nhà nước nên có nhiệm vụ duy trì sự ổn định và gia tăng giá trị phần vốn góp. Vai trò của chúng tôi rất quan trọng", ông Chuyện nhấn mạnh.
Người đứng đầu VEAM khẳng định Honda, Toyota, Ford đều kinh doanh ổn định và đạt tăng trưởng doanh thu cao trong nhiều năm qua. Lợi nhuận trước thuế năm 2015 của Honda trước thuế khoảng gần 12.000 tỷ đồng, trong khi Toyota khoảng 4.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong dài hạn, cùng với cơ hội thì hội nhập là một trở ngại lớn khi thuế ôtô năm 2018 sẽ về 0%, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
Với thị trường xe máy, ông Chuyện nhận định sẽ ổn định đến năm 2020, sau đó giảm dần tiêu thụ do xu hướng hạn chế sử dụng xe máy trong thành phố và tiến đến không sử dụng.
Trong khi đó, SHS nhận định việc sở hữu vốn lớn tại các đế chế ngành xe mà VEAM được định giá cao hơn đáng kể, lên tới 18.977 tỷ đồng. Theo phương pháp định giá, phần vốn tại các công ty liên doanh được tính vào cổ phần hóa của VEAM là 5.688 tỷ đồng. Với số cổ phần sau IPO vượt 1,3 tỷ đơn vị, giá khởi điểm của VEAM sẽ ở mức 14.290 một cổ phần.
Ngoài lợi thế trên, Tổng công ty này cũng có một số thế mạnh về các sản phẩm phục vụ công nghiệp hóa nông nghiệp. Dự kiến năm 2020, cơ giới hóa nông nghiệp đạt ít nhất 70%. Đây là động lực tiêu thụ sản phẩm của công ty. Về ngành sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, SHS cho rằng đây là lĩnh vực then chốt, mũi nhọn và có triển vọng lớn, được nhà nước khuyến khích. Tuy nhiên, các sản phẩm nông nghiệp và ôtô tải của VEAM cũng chịu cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc.
Theo kế hoạch, sau IPO, VEAM đặt mục tiêu doanh thu 5.715 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ công ty liên kết tăng lên 3.700 tỷ năm 2016. Lợi nhuận sau thuế 3.500 tỷ đồng. Chủ tịch VEAM cho biết doanh nghiệp rất quan tâm đến các nhà đầu tư nước ngoài và đã tiếp xúc với một số đối tác, song hiện chưa thể công bố kết quả.