"Họ đã tự làm mình tê liệt bằng cách tiếp cận mà họ đang áp dụng. Thật kỳ lạ khi đọc thông cáo báo chí của ba trong số hàng ngàn câu lạc bộ với ý tưởng cho rằng họ sẽ cứu bóng đá, trong khi không có CLB nào thích nó", Ceferin trả lời khi được hỏi về động thái của Real, Barca và Juventus.
Trước đó, với việc ba CLB hàng đầu chưa chịu rút khỏi giải đấu tự thành lập Super League, UEFA đã cho Ủy ban kỷ luật mở một cuộc điều tra. Bước đi này là điều cần thiết để đưa ra án phạt nặng. Đối với chín CLB đã sớm rút lui, UEFA chỉ phạt nhẹ bằng cách trừ một phần nhỏ doanh thu.
Sau khi UEFA mở cuộc điều tra, Real, Barca và Juventus đã cùng ra thông cáo báo chí phản đối. Ba CLB cho rằng, cách làm của UEFA là một cuộc tấn công vào pháp quyền dân chủ của Liên minh châu Âu, đồng thời thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với thẩm quyền của tòa án công lý.
Ba CLB cũng khẳng định không chấp nhận mọi sự ép buộc từ cơ quan quản lý bóng đá châu Âu. Thay vào đó, họ sẵn sàng giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tranh luận một cách tôn trọng. "Hoặc chúng ta cải cách bóng đá, hoặc chúng ta phải chứng kiến sự đi xuống không thể tránh khỏi của nó", thông cáo chung có đoạn.
Khi được hỏi về khả năng loại Real, Barca và Juventus khỏi Champions League, Ceferin từ chối cho ý kiến. Ông khẳng định, Ủy ban kỷ luật làm việc độc lập. Mọi hình thức kỷ luật chỉ có thể được đưa ra sau khi cuộc điều tra kết thúc.
Còn về phản ứng của ba CLB, Chủ tịch UEFA giễu cợt: "Đối với tôi, thật kỳ lạ khi bạn công bố rằng bạn vẫn là một phần của Super League, và sau đó bạn gửi một lá thư xin chơi ở Champions League. Việc gửi thông cáo báo chí nói rằng muốn có một cuộc đối thoại cũng thật kỳ lạ. Họ nên gọi cho chúng tôi, hoặc gửi thư yêu cầu một cuộc họp. Thật khó hiểu với những gì họ muốn nói".
Hồi tháng 4, 12 CLB hàng đầu châu Âu đã cùng nhau thành lập Super League. Do sức ép dư luận, chín CLB tuyên bố rút lui chỉ sau vài ngày, gồm Chelsea, Man Utd, Man City, Liverpool, Arsenal, Tottenham, Atletico, Inter và AC Milan.
Thanh Quý (theo Sky Italia)