Sáng 3/7, tại cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã "điểm mặt" Công viên 23/9 (quận 1) đang bị lấn chiếm gần hết. Ngoài đoạn có thi công tuyến đường sắt đô thị, phần còn lại của công viên toàn quán cà phê, ca nhạc.
"Công viên mà làm kiểu gì kỳ vậy. Không biết trên địa bàn thành phố còn bao nhiêu công viên bị lấn chiếm như thế", ông Phong nói bằng giọng bức xúc.
Người đứng đầu chính quyền thành phố khẳng định, công viên phải là không gian để mọi người thư giãn sau giờ làm việc mệt mỏi, chứ không phải nơi để kinh doanh.
"Việc các hàng quán lấn chiếm công viên không phải là chuyện nhỏ. Giám đốc Sở Giao thông vận tải trong tháng 7 phải báo cáo đầy đủ về hiện trạng này. Phải làm nhanh, không thể chậm hơn được nữa", ông Phong nói và cũng yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc có báo cáo quy hoạch Công viên 23/9 trình Ủy ban.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM cũng yêu cầu Giám đốc Sở Công thương nghiên cứu đề xuất các giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp thành phố tăng trưởng cao hơn nữa vì "dư địa phát triển của ngành này vẫn còn".
Ông Phong cũng yêu cầu Sở Tài Nguyên - Môi trường và các quận, huyện rà soát các dự án chậm triển khai trên địa bàn vì có những dự án giao cho chủ đầu tư nhưng kéo dài, khiến người dân khổ là "không chấp nhận được".
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Sử Ngọc Anh cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 585.000 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 7,76%. Cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 510.190 tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,2%); tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp ước đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là trang thiết bị, nguyên vật liệu cho sản xuất.
Từ đầu năm đến nay, khách quốc tế đến thành phố ước đạt 3,8 triệu lượt, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 51% kế hoạch năm. Tổng doanh thu ngành du lịch ước đạt 62.600 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ, ước đạt 45% kế hoạch năm.
Dẹp hoạt động bát nháo ở Công viên 23/9
Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến hồi tháng 4 yêu cầu Sở Giao thông Vận tải và Tài nguyên - Môi trường rà soát tính pháp lý của từng công trình, quán ăn, bãi xe... ở công viên này và đề xuất lộ trình di dời. Đối với các hoạt động không phép đang gây mất trật tự, an toàn, ảnh hưởng đến mảng xanh, vệ sinh môi trường phải dẹp ngay.
Động thái này được đưa ra nhằm lập lại trật tự ở Công viên 23/9 bởi đang có nhiều đơn vị quản lý chồng chéo, thiếu kiểm soát trong xây dựng, khai thác. Nhất là tại khu B có hàng loạt hoạt động mua sắm, ăn uống, dịch vụ... làm thay đổi công năng của công viên và gây ùn ứ giao thông.
Công viên có diện tích hơn 9 ha, rộng 90 m và dài hơn 1.100 m, ở trung tâm quận 1, được giới hạn bởi Quảng trường Quách Thị Trang (vòng xoay chợ Bến Thành) và các đường Phạm Ngũ Lão, Lê Lai, Nguyễn Trãi. Hai năm trước thành phố giao cho một công ty lập quy hoạch tổng mặt bằng và phương án thiết kế kiến trúc công trình nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Hồi năm 2013, chính quyền TP HCM có chủ trương xây dựng nhà hát giao hưởng - nhạc - vũ kịch tại đây và giao các sở ngành thực hiện. Nhà hát được thiết kế với hai khán phòng có sức chứa 1.700 chỗ, hướng chính nhìn ra phía chợ Bến Thành với diện tích 1,2 ha (hơn 1/10 Công viên 23/9) giới hạn bởi các tuyến đường Tôn Thất Tùng, Lê Lai và Phạm Ngũ Lão.
Công trình do một Công ty của Đức làm tư vấn thiết kế và dự kiến đưa vào hoạt động vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, kế hoạch này gặp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia và dự án xây dựng nhà hát giao hưởng bị "treo" đến giờ.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM), Công viên 23/9 vốn không phải là công viên cây xanh đúng nghĩa mà trước đây là ga xe lửa. Sau đó, một dự án của nước ngoài chiếm gần hết diện tích của công viên, nhưng rồi họ rút lui nên thành phố mới cho phép trồng cây xanh để giữ đất.
Theo đồ án quy hoạch chi tiết do Công ty TNHH Xây dựng và kiến trúc miền Nam (ACSA) lập trước đây, khu vực này từng được quy hoạch có 9 chức năng. Trong đó, các chức năng chính là công viên cây xanh, khu sinh hoạt văn hóa, quảng trường có tượng đài kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến. Còn chức năng phụ là đầu mối giao thông (ga cho xe điện ngầm và trạm điều hành xe buýt), bãi đậu xe (tại các tầng hầm dưới công viên) và trung tâm thương mại - dịch vụ.
Trung Sơn