Chiều 11/7, trong phiên thảo luận về Hiệu quả công tác quản lý và sử dụng đất tại kỳ họp HĐND TP HCM, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê (Phó đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố) kể, ông gặp nam thanh niên sinh ra ở Thanh Đa (quận Bình Thạnh) 25 năm trước, nay đã lập gia đình. Anh này cho biết từ lúc chào đời đến giờ, đường xá, nhà cửa... ở đây vẫn như vậy.
Ông Khuê đề nghị thành phố phải có kế hoạch giải quyết tình trạng dự án bán đảo Thanh Đa đã bị treo hơn một phần tư thế kỷ. Đây là nguyên nhân khiến vùng đất dù không xa trung tâm nhưng đời sống người dân rất khổ cực. Nhà cửa tệ hơn khu tạm cư, hạ tầng giao thông xuống cấp, thường xuyên bị ngập lụt, môi trường không được đảm bảo.
"Thành phố luôn mời chào nhà đầu tư thực hiện dự án này, song 26 năm là quãng thời gian quá dài, đã quá sức chịu đựng của cử tri. Đến Thanh Đa, tôi cảm nhận nó như vùng đất hoang hóa, người dân sống hết sức chật vật", ông Khuê nói.
Về việc này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong xin chia sẻ với người dân. Lúc còn làm đại biểu Quốc hội thuộc tổ quận Bình Thạnh ông đã thấy nỗi bức xúc của bà con. Sau đó chuyển công tác khỏi TP HCM rồi quay trở về, ông thấy dự án vẫn chưa có triển vọng.
Nói về những vướng mắc của dự án, ông Phong cho biết, trước đây chủ đầu tư là liên danh gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Quá trình làm việc không thuận thảo nên phía nước ngoài xin rút khỏi dự án, chỉ còn lại doanh nghiệp trong nước và họ xin được làm tiếp.
"Chúng tôi đã mời nhà đầu tư đến làm việc, yêu cầu họ cam kết triển khai nếu không thành phố nhất định sẽ thu hồi dự án. Cơ quan chức năng cũng đang thẩm định lại năng lực chủ đầu tư một cách chặt chẽ", ông Phong nói.
Ngoài ra, trước đây dự án được Thủ tướng đồng ý cho liên danh thực hiện nhưng nay chỉ còn doanh nghiệp trong nước nên phải làm lại thủ tục mất thời gian.
"Tôi xin cam kết UBND thành phố sẽ chỉ đạo giải quyết dứt điểm dự án này, không để kéo dài nữa", ông Phong nói rồi đề nghị "các sở ngành thử đặt mình vào hoàn cảnh của người dân trong khu vực bị quy hoạch treo hàng chục năm sẽ hiểu nổi khổ của họ".
Đất bỏ hoang, cứ nhằm vào khu dân cư để làm dự án
Đánh giá tình hình chung trên toàn địa bàn, ông Khuê nói rằng chính quyền thành phố còn buông lỏng quản lý đất đai. Có những dự án cứ nhằm vào những khu dân cư ổn định để thực hiện đền bù, trong khi nhiều quỹ đất đang bị lãng phí. Nhiều mặt bằng kho bãi, nhà xưởng đang sử dụng chưa đúng mục đích... nên phải rà soát lại để phát triển các công trình phúc lợi.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho biết, tình trạng lãng phí đất công đã diễn ra trong thời gian dài khiến người dân rất bức xúc. Nhiều khu đất ở vị trí trung tâm đang bị bỏ hoang hoặc cho thuê với giá rẻ bèo, những địa chỉ nhà đất thuộc Nhà nước quản lý nhưng chưa được kê khai, bị lấn chiếm.
"Mâu thuẫn ở chỗ, trong khi hàng trăm khu đất công bị bỏ hoang, sử dụng sai mục đích, lợi nhuận không vào ngân sách thì thành phố lại thiếu kinh phí để giải quyết những vấn đề như ngập nước, kẹt xe...", bà Trâm nói.
Ngoài ra, bà Trâm cũng nêu tình trạng hàng loạt công viên như 23/9, Phú Lâm, Thảo Cầm Viên Sài Gòn... đang bị bức tử bởi hàng quán, bãi giữ xe, hội chợ, làm mất công năng của công viên và quyền lợi của người dân cũng bị xâm phạm. "Thành phố đã có đề án di dời nhà hàng quán ăn ở đây chưa? Đã thực hiện đến đâu? Vướng mắc chỗ nào mà sao không giải quyết triệt để", bà chất vấn.
Được Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu trả lời, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường cho biết, thành phố hiện có hơn 542 ha công viên cây xanh, tỷ lệ đạt 0,69 m2 cây xanh mỗi người. Con số này còn rất thấp so với những tiêu chuẩn đã được Chính phủ phê duyệt.
Theo ông Cường, do thành phố chưa có Quy hoạch tổng thể công viên dẫn đến việc sử dụng công viên sai mục đích; các quy hoạch trước đây không còn phù hợp và không còn tính pháp lý.
"Vừa qua, Sở đã trình UBND thành phố đề án chỉnh trang các công viên trên địa bàn. Đối với các Công viên 23/9, Phú Lâm Chủ tịch UBND thành phố rất kiên quyết, thời gian tới sẽ trả lại hiện trạng", ông Cường khẳng định.
Là một trong những dự án bị "treo" lâu nhất TP HCM, khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa được TP HCM phê duyệt vào năm 1992.
Đến năm 2004 thành phố thu hồi, giao đất cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư nhưng vì nhiều lý do dự án không thể triển khai. Sau đó, thành phố giao cho một tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000).
Từ đó, dự án tiếp tục rơi vào quên lãng, mãi đến cuối năm 2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TP HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án với số vốn hơn 30.000 tỷ đồng.
Nhà đầu tư được lựa chọn theo hình thức chỉ định thầu. Thời gian triển khai thực hiện dự án dự kiến 50 năm, trong đó thời gian xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật chính là 5 năm kể từ ngày ký hợp đồng.
Giữa năm 2017, TP HCM thông báo Công ty Emaar Properties PJSC (Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất) đã xin rút khỏi dự án và thành phố đã có văn bản xin ý kiến Chính phủ chấp thuận cho Bitexco tiếp tục là nhà đầu tư thực hiện dự án này.
Trung Sơn - Minh Ngọc