Phát biểu tại Bắc Kinh trước 700 người ở Đại lễ đường Nhân dân, trong lễ kỷ niệm 60 năm thỏa thuận chung sống hòa bình giữa Trung Quốc, Myanmar và Ấn Độ, ông Tập cho rằng "thời đại của các siêu cường đã qua".
"Trung Quốc không theo đuổi quan điểm rằng một quốc gia phải tìm cách bá quyền khi mạnh lên. Bá quyền hay chủ nghĩa quân phiệt không có trong gene của người Trung Quốc", Reuters dẫn lời ông nói. "Trung Quốc sẽ kiên định theo con đường phát triển hòa bình, vì điều đó tốt cho Trung Quốc, cho châu Á và cho cả thế giới".
Chủ tịch Trung Quốc thêm rằng "an ninh chỉ bền vững khi dựa trên nền tảng và quan điểm đạo đức".
Ông Tập đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh Trung Quốc đang không ngừng củng cố quân sự và ngày càng cứng rắn hơn trong tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á.
Căng thẳng lên cao sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khí sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. Nước này đồng thời có nhiều hành vi gây hấn, đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực khiến dư luận thế giới phản đối mạnh mẽ.
Bản đồ mà Trung Quốc mới phát hành cũng gặp sự phản đối từ Ấn Độ, do phía Trung Quốc đưa một vùng mà Ấn Độ cũng tuyên bố chủ quyền vào lãnh thổ Trung Quốc. “Chúng tôi phản đối và lên án tuyên bố chủ quyền (của Trung Quốc) với bang Arunachal Pradesh. Chúng tôi muốn chính phủ đàm phán với Trung Quốc để tìm giải pháp cho vấn đề này", India Today dẫn lời ông Nabam Tuki, Thủ hiến bang Arunachal Pradesh, nói.
Tuy nhiên, trong cuộc gặp với Tổng thống Myanmar Thein Sein và phó tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari, ông Tập cam kết hợp tác để gìn giữ hòa bình khu vực và kêu gọi xây dựng một thỏa thuận về "cấu trúc an ninh mới ở châu - Thái Bình Dương" bao gồm cả Nga và Iran mà không có Mỹ.
Bắc Kinh phản đối chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ và nhiều lần cáo buộc Washington "gây rối" trong khu vực.
Hôm 27/6, trong phát biểu đăng trên Tân Hoa Xã, Chủ tịch Tập cho rằng trong quá khứ, Trung Quốc đã quá "nhu nhược" và "để cho các nước khác bắt nạt". Ông nhắc nhở người dân không được lãng quên "lịch sử tủi nhục" và phải tăng cường phòng thủ, nhất là trên biển.
Anh Ngọc