Yêu cầu được ông Phan Văn Mãi nêu tại Hội nghị lần thứ 28 Ban chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa XI, sáng 27/3, trong bối cảnh giải ngân đầu tư công của thành phố khó đạt kế hoạch. Dự kiến hết quý 1, số tiền giải ngân được chỉ hơn 5.600 tỷ đồng (đạt 7,1%), trong khi mục tiêu là trên 10%.
Theo chủ tịch UBND thành phố, tổng vốn đầu tư xã hội trong ba tháng đầu năm là 68.000 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách chiếm 20%. Từ nay đến cuối năm, thành phố phải giải ngân đầu tư công 73.000 tỷ đồng, tức mỗi quý trên 20.000 tỷ đồng.
"Đây là việc không hề dễ dàng, sở ngành, quận huyện phải xem đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt", ông Mãi nói, yêu cầu các đơn vị tập trung công tác giải phóng mặt bằng và tháo gỡ thủ tục để đẩy nhanh tiến độ.
Trước đó, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai, cho biết năm 2024 TP HCM phải giải ngân hơn 79.260 tỷ đồng vốn đầu tư công. Thành phố đặt mục tiêu giải ngân đạt từ 95% trở lên. Cụ thể, phấn đấu quý 1 đạt hơn 10% (tương đương gần 8.000 tỷ đồng), quý 2 đạt từ 30% trở lên, quý 3 hơn 70% thì mới đảm bảo quý 4 đạt hơn 95%.
Tính đến hết ngày 26/3, Kho bạc Nhà nước Thành phố mới giải ngân gần 2.500 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 3,1% trên tổng kế hoạch vốn giao. Theo bà Mai, theo kế hoạch từ các chủ đầu tư, đến hết quý 1, tổng vốn giải ngân dự kiến là 5.635 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 7,1%.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cũng đề xuất các giải đẩy nhanh tiến độ giải ngân như: linh động điều chỉnh kế hoạch vốn, kiên quyết cắt giảm vốn dự án chậm tiến độ, bổ sung vốn kịp thời cho dự án triển khai tốt; khuyến khích các đơn vị tăng tốc thi công, thực hiện ba ca, bốn kíp, tháo gỡ vướng mắc trong thi công như tìm nguồn cát bổ sung phục vụ san lấp; rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục đầu tư...
Tại hội nghị, Cục trưởng thống kê TP HCM Nguyễn Khắc Hoàng cho biết tăng trưởng quý 1 của thành phố dự kiến đạt trên 6,5%. Đây là mức cao nhất từ năm 2020 đến nay và cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ phát triển ổn định, nhất là các nhóm ngành công nghiệp trọng yếu; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,1% (đây là mức tăng cao nhất trong 4 năm qua); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,2%.
Một số động lực tăng trưởng như đầu tư, tiêu dùng trong nước, hoạt động xuất nhập khẩu và du lịch có chuyển biến, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 7,5%. Hoạt động du lịch phục hồi khi khách du lịch nội địa tăng 6,6%, khách quốc tế tăng 32,4%, doanh thu du lịch tăng 23,8% so cùng kỳ.
Lê Tuyết