Sáng 19/7, tại cuộc họp về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, đề cập việc cải tiến công nghệ xử lý rác để giảm ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tỏ ra sốt ruột khi thành phố mất 2 năm kêu gọi đầu tư nhưng chưa có nhà máy xử lý rác hiện đại.
Dẫn chứng thành phố Cần Thơ có nhà máy rác công nghệ đốt phát điện do nhà đầu tư Hong Kong làm, ông Phong nói: "Người ta đâu nói nhiều mà thực tế đã làm được rồi, chứ trước đây xử lý rác cũng ảnh hưởng môi trường ghê gớm lắm".
Tiếp đó, ông yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường làm việc với các nhà máy xử lý rác tại thành phố buộc sử dụng công nghệ mới, giảm ô nhiễm, nếu không đình chỉ hoạt động. "Cư dân Phú Mỹ Hưng tiếp tục phản ánh về mùi hôi ở Đa Phước, các cán bộ lão thành cũng phản ánh mùi hôi ở các bãi rác huyện Củ Chi... Mình phải quyết liệt giải quyết vấn đề này", ông Phong nói.
Được yêu cầu báo cáo, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hiện 3 nhà máy xử lý rác cho thành phố với tổng công suất hơn 8.000 tấn mỗi ngày. Trong đó, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Đa Phước) xử lý 5.000 tấn bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh; nhà máy Tâm Sinh Nghĩa và VietStar (huyện Củ Chi) xử lý hơn 3.000 tấn bằng cách đốt (không phát điện) và làm phân combot (tỷ lệ tro xỉ loại ra còn tương đối lớn).
Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 giảm tỷ lệ chôn lấp rác xuống dưới 50%. Hiện, nhà máy Tâm Sinh Nghĩa và VietStar điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và xin giấy phép xây dựng để hình thành 2 nhà máy mới dùng công nghệ đốt phát điện với tổng công suất 6.000 tấn. Dự kiến cuối năm nay khởi công. Còn chủ đầu tư nhà máy xử lý rác Đa Phước cũng cam kết chuyển 2.000 tấn rác mỗi ngày sang hình thức đốt, thu khí ga để giảm ô nhiễm môi trường.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác mới mà thành phố đã đồng ý chủ trương, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ tham mưu UBND rút ngắn quy trình đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu khởi công trước năm 2020.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đánh giá phần trả lời của ông Nguyễn Toàn Thắng như "lời cam kết về tiến độ".
Liên quan đến khiếu kiện ở dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Phong cho biết, UBND quận 2 đã lập kế hoạch mời từng hộ dân đến làm việc. Kết quả tiếp xúc sẽ được tổng hợp báo cáo lãnh đạo thành phố. Về kết luận mới nhất Thanh tra Chính phủ vừa công bố, ông Phong nói, nội dung đề cập công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý đầu tư dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thành phố đang xin ý kiến các bộ ngành trung ương để thực hiện theo kết luận này.
Trước đó, bà Lê Ngọc Thùy Trang (Phó Giám đốc Sở Tài chính) cho biết, TP HCM thu ngân sách được 193.310 tỷ đồng (đạt hơn 48,4% dự toán), tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt 121.825 tỷ (đạt gần 45% dự toán), tăng 2%. Thu nội địa trừ thu tiền sử dụng đất đạt 118.100 tỷ đồng (đạt 45% dự toán), tăng 7,5%. Thu ngân sách địa phương đạt 37.300 tỷ đồng, chiếm 43% dự toán và giảm 10,6% cùng kỳ.
"Dự toán thu ngân sách của TP HCM năm nay là gần 400.000 tỷ đồng - cao gấp 1,1 lần tổng dự toán thu của 4 thành phố trực thuộc Trung ương còn lại", bà Trang nói và dẫn chứng Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ tổng dự toán thu 365.900 tỷ đồng.
Trung Sơn - Điển Hạ