TP HCM bắt đầu thu hút nhân tài từ năm 2014, thí điểm tại 4 cơ quan nghiên cứu và thu hút được 19 chuyên gia trong và ngoài nước về làm việc. Đến 2019, chương trình chuyển sang giai đoạn chính thức bằng Quyết định 17 với nhiều thay đổi, nhưng được đánh giá không thành công khi chỉ ký hợp đồng với một người và không thu hút được nhân tài mới.
![Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Thu Hằng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/06/05/phan-van-mai-1654422322-4857-1654422389.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jO5q7wSw_BPnyPonvtF1Fg)
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Thu Hằng
Trả lời VnExpress, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói chương trình thu hút chuyên gia ba năm qua có kết quả chưa như mong đợi. "Cơ chế tài chính mà chỉ hơn 10 triệu đồng sẽ không ai làm. Có chuyên gia có thể phải trả hàng chục nghìn đô hoặc nhiều hơn", ông nói và cho rằng cách tiếp cận trong thu hút chuyên gia thời gian qua còn hơi cũ.
Theo ông Mãi, TP HCM là nơi hội tụ rất nhiều chuyên gia chất lượng cao, nhưng thành phố chưa phát huy được hết tiềm năng. Người tài sẵn sàng cống hiến không chỉ vì vật chất như lương bổng, nhà ở, mà còn quan tâm tới yếu tố tinh thần. Do đó ngoài chế độ vật chất, thành phố cần có cơ chế ghi nhận sự đóng góp, tượng thưởng để nâng cao chất lượng tư vấn, nghiên cứu.
Thành phố cũng sẽ nghiên cứu các chế độ đãi ngộ tiếp cận theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chuyên gia đóng góp, chứ không chỉ tập trung vào mức thu nhập như: chính sách ưu tiên về visa, điều kiện làm việc từ xa, hỗ trợ đi lại cho chuyên gia đang sống ở nước ngoài, hoặc điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài đang sống ở TP HCM.
Bên cạnh chính sách thu hút nhân tài về làm việc toàn thời gian, cơ quan chuyên môn TP HCM nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế đặt hàng theo sản phẩm với kinh phí hoạt động, quy trình giao nhiệm vụ, hình thức đãi ngộ... Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học, thời gian qua ông Mãi đặt hàng các đơn vị nghiên cứu nhiều vấn đề như đánh giá mô hình chính quyền đô thị sau một năm hoạt động, tổng kết Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù, chuyển đổi số....
Ngoài ra, UBND TP HCM đang xây dựng cơ chế, chính sách mới thay thế Quyết định 17 sẽ hết hạn vào 2022, trong đó sẽ "mở hơn" để chuyên gia, nhà khoa học có thể làm việc từ xa, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho họ đóng góp.
![Các chuyên gia làm việc tại Trung tâm Công nghệ Sinh học TP HCM. Ảnh: HCMBIOTECH](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/06/05/thu-hut-nhan-tai-1653293784-16-1450-1552-1654446303.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gE1iIty3ZzsnfpYOkYYXQA)
Các chuyên gia làm việc tại Trung tâm Công nghệ Sinh học TP HCM. Ảnh: HCMBIOTECH
Trong khi đó, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng khoa học tư vấn thực hiện chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học của thành phố, cho rằng trong cơ chế tuyển dụng nhân tài mới, cần lưu ý ba yếu tố: thu nhập, cách làm và môi trường.
"Không phải cứ trả thật nhiều tiền sẽ thu hút được chuyên gia vì họ cống hiến không chỉ vì tiền. Tất nhiên thu nhập cũng không thể ít quá khiến người được trả cảm giác bị hạ thấp giá trị", ông nói.
Đối với cách làm, ông Dũng nói ở chương trình thí điểm năm 2014, bốn cơ quan có nhu cầu tuyển người tài đều là đơn vị nghiên cứu quen với quy trình đặt ra đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu, thời gian hoàn thành, yêu cầu sản phẩm. Các đơn vị này biết đang thiếu gì, cần chuyên gia thế nào, thậm chí nhắm người để mời về. Do đó, giai đoạn này thành phố thu hút được 19 người và tạo ra một số kết quả.
Còn ở chương trình chính thức từ năm 2019 mở rộng quy mô, nhóm tham gia có cả sở, ngành. Các cơ quan này chưa quen quy trình thực hiện một nghiên cứu khoa học, nhiều nơi muốn thu hút chuyên gia nhưng mục tiêu, nhiệm vụ còn mơ hồ. "Chuyên gia chưa biết về sẽ làm gì, thu nhập chỉ mười mấy triệu không ai về", ông Dũng nói và cho rằng cơ chế này chưa phù hợp.
Rút kinh nghiệm từ giai đoạn 2019-2022, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, nếu chương trình thu hút nhân tài mới được triển khai, cơ quan này sẽ tập huấn lại cho các đơn vị về quy trình để hình dung rõ mục đích, cách làm của việc mời gọi. Cách làm là đơn vị sẽ đưa ra một dự án với nhiệm vụ, thời gian cụ thể. Sau đó dự án sẽ được đưa vào nhiệm vụ khoa học - công nghệ, tìm người giỏi về thực hiện. Chi phí mời chuyên gia sẽ nằm trong gói thầu và được đơn vị trúng thầu chi trả.
Theo ông Dũng, cơ chế mới không nên thu hút người tài về làm toàn thời gian, đặc biệt cho các sở ngành, mà cần tuyển dụng linh hoạt, tốt nhất là theo hợp đồng nghiên cứu. "Nhà khoa học có môi trường nghiên cứu riêng, quen với bộ máy viện nghiên cứu, công ty, trường đại học. Thu hút họ về làm toàn thời gian như công chức chưa chắc đã hiệu quả bằng giao nhiệm vụ như tư vấn", ông nói.
Thu Hằng