Thông tin được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nêu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 sáng 1/6, với sự tham gia của Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.
Theo ông Phong, 3 chuỗi lây nhiễm liên quan ổ dịch tại Hà Nam, công ty ở quận 3 và quán bánh canh ở quận 3 cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, sắp tới thành phố vẫn ghi nhận thêm nhiều ca rải rác bởi các nguồn lây nhiễm chưa phát hiện.
TP HCM đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm diện rộng thành phố, trong đó lấy tất cả mẫu tổ bầu cử có thành viên nhóm Hội thánh Truyền giáo Phục hưng; lấy mẫu người dân quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (quận 12); công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất. Hôm qua 31/5, thành phố lấy hơn 70.000 mẫu đơn xét nghiệm.
Xác định khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông người, có nguy cơ lây nhiễm cao, người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết sẽ giao các địa phương tổ chức các doanh nghiệp ký cam kết thực hiện đúng bộ tiêu chí phòng chống dịch áp dụng cho doanh nghiệp. Thành phố sẽ chấn chỉnh các doanh nghiệp không đảm bảo an toàn.
Về vấn đề vaccine, ông Phong cho biết thành phố có 7,2 triệu người trên 18 tuổi, nhu cầu tiêm chủng rất lớn nhưng nguồn cung không đủ. Thành phố xin Chính phủ cơ chế Bộ Y tế quyết định vấn đề nhập vaccine, thành phố sẽ chủ động nguồn và phương thức thanh toán. "Bây giờ các biện pháp 5K cũng chưa đủ mà phải cộng với vaccine mới giải quyết được tình hình", ông Phong nói.
Ngoài ra, TP HCM đang bàn triển khai gói hỗ trợ thứ hai cho người bị ảnh hưởng Covid-19. Hiện nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, khối dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều người thất nghiệp. Gói hỗ trợ thứ hai này sẽ đảm phòng chống dịch tốt và vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế.
Tại cuộc họp, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương cho rằng, để đảm bảo mục tiêu kép "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế", các khu công nghiệp có vai trò quan trọng. Ông đề nghị TP HCM nghiên cứu, triển khai các khu cách ly cho các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong khi đó, đại diện Quân khu 7 cho biết đã bố trí 302 điểm cách ly với sức chứa hơn 82.000 người, sẵn sàng nhân sự tăng cường cho thành phố khi cần.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, liên quan chuỗi lây nhiễm Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, TP HCM ghi nhận 200 ca nhiễm. Ngoài ra, thành phố khoanh vùng 15.206 người thuộc các diện liên quan khác.
Thành phố xét nghiệm mở rộng hơn 181.000 người trên toàn khu phố, các tổ bầu cử, phường có ca nhiễm nhiều. Trừ quận 11 và huyện Cần Giờ, 20 địa phương khác trong thành phố đã phát hiện ca bệnh. Riêng quận Gò Vấp ghi nhận số ca cao kỷ lục là 52 ca.
Ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Nội vụ cho rằng, cần xác định "Hội thánh Truyền giáo Phục hưng" là một điểm nhóm hoạt động chứ không phải hội thánh. Điểm nhóm này đăng ký hoạt động tại phường, không được công nhận là tổ chức tôn giáo, người đứng đầu của hội này "không thể gọi là mục sư". Việc đăng ký, hoạt động của điểm nhóm trước đó là đúng quy định.
Ông Thắng đề xuất UBND TP HCM chỉ đạo đình chỉ hoạt động của điểm nhóm này để điều tra vụ án, tùy vào kết quả điều tra có đề xuất xử lý cao hơn, có thể rút giấy phép hoạt động.
Hiện cả nước có trên 5.500 điểm nhóm hoạt động tôn giáo tương tự "Hội thánh Truyền giáo Phục hưng", chủ yếu ở các vùng sâu xa, do chính quyền cấp xã cấp phép và quản lý. Các điểm nhóm này hoạt động không theo sự chỉ đạo chung của các tổ chức tôn giáo, năng lực quản lý ở xã cũng hạn chế nên khó khăn trong tuyên truyền, vận động các quy định chống dịch.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng việc lây nhiễm từ nhóm Truyền giáo Phục hưng là một bài học sâu sắc trong công tác chống dịch. Ông yêu cầu TP HCM kêu gọi các chức sắc tôn giáo vận động tín đồ chấp hành quy định và chung tay phòng phòng chống dịch.
Phó thủ tướng cho biết, việc khởi tố vụ án liên quan đến điểm nhóm Truyền giáo Phục hưng là "khởi tố một vụ án làm lây lan bệnh dịch chứ không khởi tố một tôn giáo". Nếu có bị can thì đây là việc xử lý một cá nhân với tư cách là công dân chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Phó thủ tướng ghi nhận TP HCM thời gian qua động thái quyết liệt ngăn chặn dịch lây lan. Có thể phát hiện thêm nhiều trường hợp lây nhiễm, nhưng với các giải pháp cứng rắn hiện có, tình hình vẫn được chủ động kiểm soát. Ông yêu cầu kích hoạt mạnh hệ thống chính quyền, nhấn mạnh vai trò từ những người đứng đầu từ cấp phường, xã trở lên.
Ông Bình lưu ý, TP HCM mở rộng diện xét nghiệm toàn thành phố nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm để đạt được hiệu quả tốt nhất. Về gói hỗ trợ thứ hai của thành phố, TP HCM lưu ý vừa hỗ trợ người lao động, vừa hỗ trợ cả doanh nghiệp để họ duy trì sản xuất.