Nội dung được ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết trong hội nghị hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố này với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ diễn ra tại TP Đồng Xoài, Bình Phước, sáng 18/3.
Đông Nam Bộ gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh, tổng diện tích hơn 23.560 km2, dân số khoảng 18,7 triệu người (năm 2021). Đây là vùng kinh tế phát triển nhất cả nước khi đóng góp hơn 2/3 thu ngân sách hằng năm và 32% tổng sản phẩm nội địa (GDP).
Theo ông Mãi, thời gian qua TP HCM có nhiều thỏa thuận hợp tác phát triển toàn diện về kinh tế xã hội với các tỉnh, đặc biệt trong quy hoạch, hạ tầng giao thông với Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước. Sau khi Chính phủ có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ, khối lượng công việc của thành phố rất lớn, cần sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các địa phương lân cận.
"TP HCM được giao chủ trì xây dựng, đề xuất với Chính phủ để thực hiện 8 đề án hoàn thành trong 2023 và 8 dự án đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng trong giai đoạn 2022-2030", ông Mãi nói.
Theo lãnh đạo TP HCM, để chương trình hành động thuận lợi, ngoài thành lập Hội đồng vùng, Cơ chế đặc thù hoạt động, vùng cần xây dựng Quỹ phát triển hạ tầng giao thông để có kinh phí, ngân sách đầu tư đường, dự án liên vùng, kết nối từ các địa phương đến TP HCM, liên kết hai tỉnh thành trong khu vực. Mỗi địa phương cần có một Phó chủ tịch UBND làm thường trực thành viên hội đồng nhằm đốc thúc công việc liên kết vùng.
Lãnh đạo các tỉnh cũng thống nhất Đông Nam Bộ phải có quỹ để phát triển giao thông kết nối với nhau. Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết nguồn lực đầu tư từ Trung ương dành cho các địa phương trong vùng chưa đến 20% tổng vốn đầu tư cả nước cũng là trở ngại để xây dựng hạ tầng.
Bà Hoàng kiến nghị ngoài sự quan tâm từ Trung ương, các tỉnh thành cần phối hợp để đẩy nhanh giao thông kết nối sau khi sân bay Long Thành hoạt động từ năm 2025. Đồng Nai muốn sớm xây dựng các tuyến đường sắt kết nối sân bay Tân Sơn Nhất về Long Thành và Bà Rịa - Vũng Tàu, cầu Cái Lát nối TP HCM.
Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết việc thành lập quỹ phần nào sẽ giúp vùng sớm đầu tư hạ tầng khi kinh phí từ Trung ương phân bổ về không kịp tốc độ phát triển của vùng. "Quỹ này có thể từ ngân sách các địa phương, Trung ương, vay vốn, xã hội hóa...", ông Minh đề xuất.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, việc quy hoạch vùng nay đã cũ, cần có một quy hoạch mới hiện đại và đồng bộ hơn để có thể kết nối các địa phương. Từ quy hoạch này, các tỉnh thành dễ dàng hơn trong việc đầu tư hạ tầng giao thông gắn kết, giúp thúc đẩy phát triển đồng bộ của vùng.
"Hiện nay chúng tôi đã đưa vào quy hoạch xây dựng thêm bốn cây cầu nối Đồng Nai, hai cây cầu nối Tây Ninh và đang phối hợp đưa vào quy hoạch các cây cầu nối TP HCM qua sông Sài Gòn", ông Minh nói và cho biết thêm đang kiến nghị nâng độ tĩnh không của cầu Đồng Nai để phát triển giao thông đường thủy.
Cũng trong hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết thời gian tới sẽ hợp tác với các tỉnh thành bảy lĩnh vực: công tác quy hoạch; cơ chế điều phối phát triển vùng; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; kết nối giao thông, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ; lĩnh vực môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực; lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nói trong các lĩnh vực hợp tác trên, hạ tầng giao thông rất quan trọng vì đây đang là điểm nghẽn ảnh hưởng phát triển của vùng. Đông Nam Bộ có thế mạnh đường thuỷ và đường sắt nên có thể quy hoạch, phát triển nhằm chia sẻ với đường bộ.
Phước Tuấn