Quan điểm trên được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói tại buổi làm việc với huyện Củ Chi, chiều 19/8, khi đề cập đến đề án xây dựng huyện thành quận hoặc thành phố. Trước đó, cũng như 4 huyện ngoại thành khác, Củ Chi công bố sẽ phấn đấu từ nay đến năm 2030 lên thành phố.
Theo ông Mãi, TP HCM đang định hình thành đô thị đa tâm gồm TP Thủ Đức ở phía Đông, khu Nam, và đô thị phía Tây Bắc. Nhưng các địa phương không thể đơn phương lên thành phố mà cần nghiên cứu kết hợp, phát triển thành vùng đô thị. "Như hướng Bắc - Tây Bắc, Củ Chi không lên thành phố một mình, mà kết hợp một phần Hóc Môn, hoặc toàn bộ huyện Hóc Môn, thậm chí cả quận 12, để thành trung tâm mới của TP HCM", ông nói.
Với 61% diện tích là đất nông nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Củ Chi nên phát triển nông nghiệp sinh thái, giá trị cao, đồng thời tính toán tỷ lệ đất nông nghiệp cần giữ lại, diện tích đất cần chuyển mục đích để phát triển. Tuy nhiên, ông yêu cầu huyện không được chuyển mục đích sử dụng đất để làm đô thị. "Chuyển đổi đất nông nghiệp để tạo ra giá trị lớn hơn, nhưng không phải bất động sản. Giá trị của đất nằm ở công năng sử dụng, chứ không phải ở m2 bêtông", ông Mãi nói.
Người đứng đầu chính quyền thành phố gợi ý Củ Chi nghiên cứu phát triển "du lịch hoà bình" nhằm tận dụng lợi thế của truyền thống "đất thép thành đồng". Theo đó, ông đề nghị huyện triển khai, tổ chức thế nào để du khách đến đây nhằm cảm nhận giá trị lịch sử, chứ không phải tham quan thông thường.
Trước đó, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền, cho biết 7 tháng qua huyện đã đạt 9/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh. Trong đó, kinh tế huyện tiếp tục tăng trưởng ổn định, thu ngân sách nhà nước đạt 114%. Bốn tháng cuối năm, địa phương sẽ tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, tập trung triển khai dự án Vành đai 3, xây dựng đô thị thông minh...
Theo bà Hiền, thay vì tập trung phát triển nông nghiệp như trước đây, địa phương sẽ đẩy mạnh nông nghiệp gắn với du lịch, thương mại dựa trên thế mạnh sông nước, nhà vườn, khu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, định hướng này còn vướng nhiều quy định liên quan quy hoạch, cần được các sở, ngành tháo gỡ.
"Đơn cử, huyện có đoạn dài sông Sài Gòn chảy qua nhưng chưa phát triển được du lịch. Người dân muốn xây nhà chòi, nơi nghỉ chân, thậm chí nhà vệ sinh phục vụ du khách cũng không được do vướng quy hoạch phân khu của bờ sông Sài Gòn", bà Hiền nói.
Thu Hằng