Chiều 9/12, sau hơn 4 tháng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh có khoảng 40 phút báo cáo kết quả kinh tế xã hội của thành phố và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND.
Trả lời đại biểu Phạm Đình Đoàn việc thành phố làm thế nào để thực hiện các cam kết, mốc thời gian xử lý dự án chậm tiến độ và lời hứa với cử tri, ông Thanh cho hay qua giám sát của HĐND thành phố cho thấy có một số công việc, cam kết đã được hoàn thành, một số chưa đạt. Nguyên nhân chưa đạt có thể do ban ngành thành phố "không cân nhắc kỹ về thời gian" trong bối cảnh nhiều việc nằm ngoài tầm kiểm soát, thành ra thất hứa với nhân dân.
Chủ tịch Hà Nội dẫn chứng, trong phiên chất vấn về xử lý nước thải chiều nay, lãnh đạo huyện Mê Linh đưa ra quý I/2023 doanh nghiệp sẽ khớp nối đường nước thải vào hệ thống chung của khu công nghiệp. Tuy nhiên, đó là mong muốn, quyết tâm của chính quyền huyện, thực tế còn phụ thuộc vào doanh nghiệp xả thải và doanh nghiệp quản lý vận hành hệ thống khu xử lý nước thải tập trung có ký kết với nhau đúng thời hạn hay không.
Ông Thanh mong cử tri và nhân dân chia sẻ với chính quyền vì thời gian và nguồn nhân lực của thành phố còn rất hạn chế. Hà Nội chiếm khoảng 1% diện tích cả nước nhưng dân số tới 10%. 10 triệu dân phải quản lý từ khai sinh đến khai tử, ốm đau. Số doanh nghiệp của Hà Nội cũng chiếm rất lớn, chỉ cần mỗi doanh nghiệp có một tờ khai thuế thì bao nhiêu giao dịch phải quản lý... Trong khi đó số cán bộ, công chức của Hà Nội không cao hơn các tỉnh thành khác.
"Nhiều lúc tôi cũng không hiểu tại sao anh em lại có thể làm được khối lượng công việc đồ sộ đó", ông Thanh nói, dẫn chứng vừa qua cơ quan chuyên môn hỗ trợ hơn 2,6 triệu người bị ảnh hưởng Covid trong khi số cán bộ làm việc đó chỉ mấy chục người. Một ví dụ khác là số dự án chậm tiến độ của thành phố khoảng 1.000, nhưng phòng quản lý dự án đầu tư của Sở Kế hoạch Đầu tư chỉ 5-7 người.
Đề cập thực tế trên, ông Thanh mong cử tri chia sẻ, song với trách nhiệm về lời hứa trước nhân dân, thành phố sẽ phân cấp, phân quyền, tổ chức lại công việc, áp dụng nhiều hơn công nghệ chứ không phải lấy lý do khó khăn để thoái thác trách nhiệm, hoặc làm chất lượng công việc kém đi.
Liên quan đến nội dung chất vấn tại kỳ họp HĐND về xử lý nước thải và thoát nước, ông Thanh thông tin, 4 tháng về làm Chủ tịch thành phố ông đã dự rất nhiều cuộc họp liên quan đến thực hiện quy hoạch chung xây dựng thủ đô (quy hoạch 1259). Thành phố đang xây dựng điều chỉnh quy hoạch trên và đây là cơ sở để giải quyết căn bản những vấn đề dân sinh bức xúc hiện nay, trong đó có thoát nước và xử lý nước thải.
Hiện Sở Tài chính xây dựng đề án về giá một loạt dịch vụ công như rác thải, nước thải sinh hoạt, nước sạch... Ông Thanh cho rằng phải xây dựng được mức giá dịch vụ hợp lý mới kêu gọi được xã hội hóa, phải có chính sách minh bạch và ổn định mới tạo niềm tin cho nhà đầu tư và kêu gọi xã hội hóa các lĩnh vực mà nhà nước không làm.
"HĐND và cử tri cũng không quá khắt khe với chúng ta, vấn đề là chúng ta đã nói là phải chuẩn, đã hứa thì phải làm", ông Thanh nói. Để giám sát việc thực hiện các lời hứa, năm 2023 chính quyền thành phố sẽ triển khai đồng loạt phần mềm mới để đôn đốc, giao việc, nhận việc.
Thành phố sẽ áp dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung; hệ thống thông tin báo cáo với 171 thông số; hệ thống quản lý, theo dõi, đôn đốc nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố giao; hệ thống theo dõi giải quyết kiến nghị cử tri, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Việc khai thác vận hành các hệ thống trên sẽ giúp thành phố kiểm điểm, đôn đốc có hiệu quả việc thực hiện chương trình công tác và nhiệm vụ đảm bảo tiến độ; là cơ sở thông tin, dữ liệu để theo dõi, đánh giá cán bộ công chức, cơ quan đơn vị, làm căn cứ để xem xét thi đua khen thưởng và quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ, công chức.
"Quan điểm cải cách hành chính của thành phố là dù hiện đại hóa, số hóa đến đâu thì cuối cùng vẫn là con người. Bản chất của cải cách hành chính là thái độ của cán bộ, công chức chính quyền với người dân và doanh nghiệp, trên cơ sở thiết kế quy trình giải quyết công việc phù hợp", Chủ tịch Hà Nội nói.
Dừng bán vé vào công viên Thống Nhất từ 1/1/2023
Chủ tịch TP Hà Nội cho biết, qua nắm bắt kiến nghị cử tri, UBND thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo do một Phó chủ tịch thành phố làm trưởng ban để tập trung chỉ đạo đầu tư xây dựng mới 6 công viên; cải tạo chỉnh trang 5 công viên và cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa.
Đồng thời UBND thành phố đã chỉ đạo dừng bán vé vào cửa công viên Thống Nhất từ ngày 1/1/2023, hạ thấp hàng rào công viên để tạo không gian mở với khu vực đường Trần Nhân Tông và phố Nguyễn Đình Chiểu.
Võ Hải