Các sai phạm của ông Nghiệp bị vạch trần trong quá trình điều tra hai vụ án tham ô tài sản và cố ý làm trái ở hai công ty “ruột” của tỉnh là Công ty Dược và Kinh doanh XNK, Công ty Dịch vụ và Thương mại. Cơ quan điều tra đang làm rõ thêm về vai trò, trách nhiệm của ông Nghiệp khi ký công văn cho Công ty Dược mua máy tầng sôi giá 150.000 USD, tạo điều kiện cho Giám đốc Nguyễn Hùng Tấn chiếm đoạt 1,54 tỷ đồng. Lý do của việc ông Nghiệp nhiều lần ký văn bản gửi Chính phủ xác nhận việc bán phân urê và sắt xây dựng ở địa phương bị lỗ, trong khi công ty không nhập khẩu hai mặt hàng này, mà chỉ bán chỉ tiêu hạn ngạch cho đơn vị khác để thu lời...
Trong vụ tham ô ở Công ty Dịch vụ và Thương mại, cơ quan điều tra cũng đang làm rõ việc ông Nghiệp ký duyệt bảo lãnh cho Nguyễn Thị Bé Tư, giám đốc công ty, vay vốn ngắn hạn để đầu tư xây dựng cơ bản, từ đó công ty không thu hồi được vốn trả ngân hàng dẫn đến nợ kéo dài, mất cân đối về tài chính. Để “chữa cháy”, ông Chủ tịch tỉnh lại thay mặt UBND tỉnh ra chủ trương xuất tiền ngân sách trả thay, nhưng vẫn không “cứu” được. Tính đến 30/10/1999, công ty còn nợ các ngân hàng hơn 38,1 tỷ đồng. Cơ quan điều tra khẳng định, hành vi này của ông Nghiệp đã vi phạm nguyên tắc tín dụng, thể lệ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Nghiệp còn có dấu hiệu phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Năm 1994, Công ty Dịch vụ Thương mại bán căn nhà 28 Phan Bội Châu cho bà Hồ Tuyết Minh (bạn ông Nghiệp) giá 118, triệu đồng. Bà Minh chỉ trả 42,1 triệu đồng, ông Nghiệp nộp 40 triệu đồng. Phần còn lại, 36,1 triệu đồng, ông Cao Tấn Lộc (Giám đốc Công ty Xây dựng Thủy lợi) nộp thay bằng cách tính trừ vào chi phí san lấp mặt bằng mà Công ty Xây dựng Thủy lợi thi công cho Công ty Dịch vụ Thương mại.
Kết thúc giai đoạn một điều tra hai vụ tham nhũng lớn này, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Cà Mau đã chuyển hồ sơ cho VKS tỉnh đề nghị truy tố 15 bị can.
(Theo Tuổi Trẻ, 3/4)
Theo dòng sự kiện: