Báo cáo với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 (Ban chỉ đạo) chiều 16/5, ông Dương cho biết từ ngày 9 đến 14/5, địa phương có hai ổ dịch. Ổ dịch tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam (liên quan đến Bệnh viện K Hà Nội) có 4 ca nhiễm, "đã được khống chế, không còn khả năng bùng phát ra cộng đồng".
Ổ dịch tại Công ty SJ Tech - khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên (liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) có 105 ca nhiễm, "đến nay cơ bản đã qua đỉnh dịch, chỉ còn xuất hiện F0 trong khu cách ly tập trung và một vài trường hợp công nhân đi cùng xe, mức độ lây lan ra cộng đồng rất thấp".
Tuy nhiên, từ ngày 14/5, địa phương phát hiện thêm ổ dịch tại Công ty Hosiden Việt Nam trong khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên. Ổ dịch này tốc độ lây lan nhanh do công nhân chuyên lắp ráp linh kiện, bo mạch điện tử, màn hình cảm ứng... trong phòng lạnh, khép kín. Qua test nhanh, tối 14/5 có 12 F0 cùng phân xưởng số 4. Đến nay, tổng số F0 ở Công ty Hosiden Việt Nam là 159.
Những ngày qua, Bắc Giang đã xét nghiệm toàn bộ công nhận 4 khu công nghiệp nguy cơ cao và sàng lọc diện rộng khu vực nhiều nhà trọ công nhân. Lãnh đạo tỉnh đề nghị các đơn vị tiếp tục hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm nhanh; lực lượng lấy mẫu, truy vết, theo dấu hoạt động di chuyển của F0, nhằm "không bỏ sót F1 ngoài cộng đồng".
Báo cáo từ đầu cầu Bắc Giang, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, nhận định tình hình dịch ở đây vẫn "rất phức tạp, khó lường, còn nguy cơ lây nhiễm trong các khu cách ly". "Hiện tỉnh mới bắt đầu tầm soát rộng trong cộng đồng. Các cơ sở y tế số lượng giường bệnh còn ít, gánh nặng tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 còn rất lớn", Thứ trưởng Sơn nói.
Ông Sơn cũng nhận định xét nghiệm "là vấn đề khó" với Bắc Giang, dù đã rất cố gắng huy động nhiều đơn vị vào cuộc. Địa phương chưa làm đầy đủ hết xét nghiệm, đặc biệt là đang thiếu test nhanh.
"Chúng tôi đã liên hệ với đơn vị có công suất sản xuất test nhanh kháng nguyên 50.000 mẫu mỗi ngày. Với nhu cầu của tỉnh báo cáo, chỉ vài ngày là các nhà máy đáp ứng được. Nhưng Sở Y tế Bắc Giang phải thống kê cần bao nhiêu, để tỉnh tổ chức mua", Thứ trưởng Sơn nêu vấn đề.
Ông nhấn mạnh test nhanh kháng nguyên là công cụ xét nghiệm sàng lọc rất cần thiết trong điều kiện hiện nay. "Với công tác truy vết nếu chỉ chờ xét nghiệm khẳng định (Realtime RT-PCR) thì mất nhiều thời gian", ông nói.
Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo nhận định tiến độ kiểm soát dịch bệnh tại Bắc Ninh, Bắc Giang có thể chậm hơn dự kiến, bởi biến thể virus mới lây lan nhanh trong khu công nghiệp. "Bắc Ninh, Bắc Giang phải tập trung rất cao độ để kiểm soát bằng được các ổ dịch này", Ban chỉ đạo yêu cầu.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhận định các khu công nghiệp là nơi nhạy cảm, đông người, ảnh hưởng trực tiếp đến sức sản xuất cả nước, nên "chúng ta phải kiểm soát bằng được các ổ dịch trong khu công nghiệp ở hai địa phương nêu trên, không để lây lan ra nơi khác".
Ông đề nghị Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn điều phối tất cả lực lượng chi viện cho Bắc Giang chống dịch, "coi đây như một đợt thực chiến, đúc rút kinh nghiệm để phổ biến cho các khu công nghiệp khác".
Bộ Y tế, Quân y (Bộ Quốc phòng), y tế công an sẵn sàng lực lượng dự phòng, có xe xét nghiệm lưu động để chi viện cho các địa phương khi cần lấy mẫu gấp trong thời gian ngắn. "Địa bàn nào cần hỗ trợ, nhất là các khu công nghiệp, lực lượng này có thể lên đường chi viện ngay", Ban chỉ đạo nêu.
Bộ Y tế sẽ lập nhóm chuyên gia tư vấn cho các địa phương kết hợp các phương pháp xét nghiệm trong từng tình huống khác nhau.
Bộ Y tế đã lập đoàn các chuyên gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ Bắc Giang chống dịch. 250 sinh viên Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương đã lên đường. Đại học Y Hà Nội đã lên tiếng sẵn sàng hỗ trợ Bắc Giang. Nếu cần thiết, Bộ Y tế điều động thêm Đại học Y tế cộng đồng, các bệnh viện, CDC các tỉnh.
Từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.140 ca nhiễm Covid-19 cộng đồng, ở 26 tỉnh, thành, trong đó Bắc Giang nhiều nhất với 314 ca; Bắc Ninh 214.