Sáng 8/9, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã đi thực địa, khảo sát cuộc sống của người dân đang ở trong khu di tích thuộc quần thể cố đô Huế.
Vào tổ 14 phường Thuận Lộc (TP Huế), ông Thọ cùng lãnh đạo tỉnh đã chứng kiến cuộc sống tạm bợ, nhếch nhác của người dân khu Eo Bầu, Thượng Thành. Nhiều nhà chỉ rộng hơn 20 m2, lợp mái tôn, là nơi sinh sống của cả chục người. Lô cốt trở thành nhà vệ sinh công cộng của nhiều hộ dân.
Gia đình ông Nguyễn Văn Châu (54 tuổi) lên khu vực Eo Bầu sinh sống sau năm 1975 cho đến nay. Trong căn nhà cấp 4 rộng hơn 40 m2 được lợp tạm bằng tôn là nơi ông và 5 đứa con sinh sống.
Nói chuyện với Chủ tịch tỉnh, ông Châu đồng ý di dời nếu được tỉnh yêu cầu, mong tỉnh bố trí cho gia đình một mảnh đất để sinh sống ổn định.
Bà Nguyễn Thị Sen (60 tuổi, tổ 14) cho biết, gia đình sinh sống ở Thượng Thành đã hơn 40 năm. "Nếu tỉnh di dời thì gia đình chúng tôi hưởng ứng và mong muốn tỉnh cho một mảnh đất mới để làm nhà", bà Sen nói.
Sau khi lắng nghe tâm tư của các hộ dân, Chủ tịch tỉnh hứa sẽ lên kế hoạch trình Chính phủ để sớm di dời và bố trí tái định cư cho người dân. Ông Thọ yêu cầu TP Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế thống kê rõ ràng số hộ dân đang sinh sống tại các điểm di tích và lên phương án di dời cụ thể.
Bên cạnh đi khảo sát khu vực Eo Bầu, Thượng Thành, ông Phan Ngọc Thọ cũng đi khảo sát các hộ dân ở thành hào bao quanh Kinh thành Huế. Chứng kiến cuộc sống tạm bợ của các hộ dân, ông Thọ yêu cầu các sở, ban ngành lên kế hoạch khơi thông dòng chảy, xây kè đá và di dời các hộ dân, trả lại hiện trạng di tích.
Vào năm 1993, quần thể di tích Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, khu Eo Bầu, Thượng Thành trở thành khu vực I bảo vệ di tích. Theo Luật Di sản, khu Eo Bầu, Thượng Thành cấm xây dựng, giữ nguyên hiện trạng.
Thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, hiện trong Khu vực I di tích Kinh thành Huế có khoảng 3.800 hộ dân sinh sống, trong đó có hơn 1.000 hộ dân ở khu Eo Bầu, Thượng Thành. Đa số là lao động nghèo định cư sau năm 1975, sau này nhiều hộ dân vạn đò chạy lũ lịch sử năm 1999 lên làm nhà tại đây.
Việc hàng nghìn hộ dân sinh sống trên di tích không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, xấu hình ảnh Kinh thành Huế mà còn gây khó khăn trong công tác trùng tu, tu bổ các công trình di tích.