Sáng 10/7, ông Tuấn có 75 phút đầu giờ để giải trình các ý kiến chất vấn của cử tri và đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 20 đang diễn ra.
Trả lời câu hỏi về giải pháp bảo vệ môi trường tại huyện Lang Chánh, ông Tuấn thừa nhận trang trại nuôi lợn công nghệ cao ở xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc, tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự. Để xảy ra thực trạng này, "trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư dự án, cam kết rồi thực hiện không nghiêm".
"Trách nhiệm tiếp theo thuộc về các cơ quan tham mưu, trình duyệt dự án. Cũng đánh giá tác động môi trường, cũng đo khoảng cách với khu dân cư, cứ công nhận hết nhưng đều trên giấy cả", ông Tuấn nói, nhận trách nhiệm người đứng đầu UBND tỉnh do đã ký chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án này.
Ông đề nghị cơ quan chức năng thời gian tới cần có biện pháp quyết liệt, nếu cần thì buộc dừng hoạt động cơ sở gây ô nhiễm, không để tình trạng này kéo dài. "Khi nào những cơ sở này không còn gây ô nhiễm thì cho hoạt động lại, nếu không thì chấm dứt vĩnh viễn, cần thiết đền bù hợp đồng, ra tòa cũng phải chấp nhận", Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nói.
Theo ông, tinh thần chung của tỉnh là những dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, đến đời sống người dân thì không đề xuất, không chấp thuận chủ trương đầu tư.
Nhắc đến các nhà máy sản xuất giấy, vàng mã, tăm hương xây dựng ở thượng nguồn các sông suối vùng miền núi, ông Tuấn cho là "đều có dấu hiệu bất thường". "Sao họ cứ đòi xây dựng sát bờ sông suối? Chỉ có ý định xả thải bẩn ra môi trường thì mới như vậy. Doanh nghiệp nào có ý định làm như thế thì không thể chấp nhận", ông Tuấn nói.
Đầu tháng 7, hàng trăm người ở các xã Tân Phúc, Tam Văn và thị trấn Lang Chánh kéo đến cổng trại lợn công nghệ cao kết hợp trồng rừng sản xuất của Công ty CP Đầu tư nông nghiệp Agri-Vina đặt tại xã Tân Phúc phản ứng vì môi trường bị ô nhiễm. Ước tính 13.000 người quanh trại lợn bị tác động trong phạm vi 3-4 km2. Người dân trước đó nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử phạt song tình trạng ô nhiễm không thuyên giảm.
Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang sau khi thị sát trang trại này đã yêu cầu đình chỉ hoạt động từ 30/7 cho đến khi đáp ứng điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường.
Những năm gần đây, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã đình chỉ hàng loạt cơ sở sản xuất tăm tre, vàng mã do xả thải chưa qua xử lý ra sông Mã, gây ô nhiễm nguồn nước khiến cá chết hàng loạt.
Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Thanh Hóa diễn ra trong ba ngày 8-10/7. Ngoài phiên chất vấn giám đốc các sở Tài chính, Khoa học và Công nghệ, các đại biểu còn thảo luận, biểu quyết thông qua 16 nghị quyết về các vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.