Quan điểm trên được ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán SSI, Chủ tịch PAN Group chia sẻ tại buổi toạ đàm "Bitcoin và làn sóng Blockchain" do Tạp chí NDH tổ chức sáng 20/12.
Ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng có 2 lý do khiến đồng Bitcoin tăng giá phi mã như vừa qua. Thứ nhất nó là một công cụ mang tính đầu cơ. Thứ hai nó có thể là công cụ chuyển tiền bất hợp pháp bởi tính ẩn danh của công nghệ này. "Tuy nhiên, ai là người cuối cùng cầm cục than nóng ấy sẽ là người chết. Khi nó sập sẽ gắn đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu", ông Hưng cảnh báo.
Buổi toạ đàm cũng có ông Dominik Weil và ông Nguyễn Việt Bách - hai đại diện trẻ đến từ Bitcoinvn, một sàn giao dịch Bitcoin khá phổ biến hiện nay. Nguyễn Việt Bách - giám đốc truyền thông Bitcoinvn cũng thừa nhận, ứng dụng hiện nay của Bitcoin chủ yếu được mọi người nhìn nhận dưới góc độ đầu cơ nhiều hơn. "Đa số mọi người đổ xô vào Bitcoin chỉ với mục đích này, còn việc mua để sử dụng chúng tôi thấy không nhiều. Họ mua chờ khi giá lên để bán", Nguyễn Việt Bách nói.
Thế nhưng, ông Dominik Weil cũng phản biện lại khi Bitcoin được thảo luận nhiều như một "bong bóng" có thể gây khủng hoảng. Ông cho biết, với bong bóng dotcom những năm 1999-2000, bất cứ công ty nào có chữ dotcom thì mã chứng khoán đều tăng phi mã. "Nhưng nếu nhìn tới bây giờ, những công ty lớn như Google, FB đều trưởng thành từ quả bóng dotcom đó. Và nếu so sánh thì tiền điện tử bây giờ cũng như vậy, cũng đang là một bong bóng. Tôi chỉ khuyên các nhà đầu tư cần biết kiềm chế bản thân, biết cân nhắc dành bao nhiêu phần trăm trong tài sản của mình", ông Dominik nói.
Ở góc độ người làm luật, Luật sư Trương Thanh Đức - Công ty Luật Basico cho rằng, khi Bitcoin chưa được ngân hàng trung ương công nhận nó sẽ tiềm ẩn một số rủi ro và chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ. "Nếu mua Bitcoin rồi giá trị của nó đi xuống hoặc sàn đầu tư sập..., rủi ro đó sẽ không được bảo vệ. Theo tôi, đầu tư Bitcoin không phải mạo hiểm là vô cùng nguy hiểm", ông Đức nói.
Với các vấn đề trên, Chủ tịch SSI cho rằng, nên xem hoạt động đầu cơ Bitcoin hiện nay là hoạt động kinh doanh tài chính và cần phải có quản lý của Nhà nước. Các sản phẩm trá hình, không được công bố thông tin đầy đủ, không phải chịu trách nhiệm thì tiềm ẩn rủi ro cho xã hội rất lớn.
"Chỗ nào lợi nhuận quá cao trong thời gian ngắn thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, và nơi nào lợi nhuận quá nhiều thì cũng dễ có nhiều tội phạm. Nếu biết trước tiềm ẩn rủi ro, khi còn đang định hướng được mà không có quản lý Nhà nước thì lúc nào đó chúng ta ân hận", ông Hưng nói.