Cuối năm nay, Rita Võ chính thức động thổ dự án căn hộ siêu sang, tiến vào mảng bất động sản. Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đây là giấc mơ đã ấp ủ suốt 20 năm và chỉ thực hiện khi đã thành công và phát triển bền vững trong vai trò nhà phân phối Vật liệu xây dựng và Nội Thất hàng đầu tại Việt Nam. Ông Võ Mậu Quốc Triển chia sẻ về hành trình kinh doanh, định vị thương hiệu trên thị trường cũng như những kế hoạch mới của doanh nghiệp.
- Hai năm trong Covid-19, tình hình kinh doanh của Rita Võ như thế nào, thưa ông?
- Tôi thường nói vui: có khó khăn nhưng mọi người vẫn xây nhà ầm ầm (cười). Vậy nên năm qua, chúng tôi nộp thuế gần 700 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm nay công ty cũng đã nộp ngân sách nhà nước 450 tỷ đồng và dự kiến đến hết năm sẽ nộp hơn 1.000 tỷ đồng. Cũng trong nửa đầu năm, thương hiệu đạt mức tăng trưởng trên hai chữ số.
Ở mảng vật liệu xây dựng và nội thất cao cấp, Rita Võ là thương hiệu dẫn đầu thị trường Việt Nam. Hiện chúng tôi có 23 trung tâm lớn tại Việt Nam và tất cả tập đoàn nước ngoài khi tiến vào thị trường trong nước đều muốn hợp tác với chúng tôi, xuất hiện trong hệ thống của Rita Võ.
- Thị trường vật liệu nội thất thường đi theo giai đoạn thịnh suy của bất động sản. Ông từng đối mặt với những thách thức nào của bối cảnh này?
- Cơ cấu doanh thu của RitaVõ nghiêng về mảng bán lẻ với 65%, còn lại 35% đến từ dự án. Vì vậy chúng tôi không bị ảnh hưởng nhiều từ các chủ đầu tư dự án mà dựa vào tổng thể thị trường. Ngành bán lẻ tại Việt Nam là miếng bánh lớn mà hầu hết ông lớn trên toàn cầu đến muốn nắm giữ, chạy đua giành thị phần.
Riêng lĩnh vực bất động sản, nội thất có tiềm năng lớn, phát triển ổn định qua nhiều năm. Nhu cầu xây dựng nhà ở đang rất cao, tạo sự sôi động cho thị trường. Thêm nữa, nội lực trong người dân mạnh mẽ, tâm lý người Việt thích mua để dành cho con, có nguồn thu ổn định. Đó là lý do chúng tôi có thể mở rộng toàn hệ thống liên tục trong nhiều năm qua.
- Ngoài động lực từ thị trường, những yếu tố nào giúp doanh nghiệp định vị thương hiệu trên thị trường hiện nay?
Thị trường Hà Nội rất khó khăn, nhất là với doanh nghiệp miền Nam nhưng Rita Võ vẫn ghi dấu ấn nhờ việc công bố rõ ràng xuất xứ trên mỗi sản phẩm. Thông thường người tiêu dùng chỉ chuộng hàng hóa tại những quốc gia lớn nhưng ngày nay các tập đoàn quốc tế đã đặt nhà máy trên toàn cầu. Sản xuất tại đâu không quan trọng, cốt yếu là công nghệ, sản phẩm đó đến từ thương hiệu nào. Để xây dựng niềm tin với khách hàng, chúng tôi còn chú trọng dịch vụ bán hàng và hậu mãi.
Ngoài uy tín từ hơn hai thập kỷ, thế mạnh của Rita Võ còn đến từ hệ thống phân phối rộng khắp, con người, đối tác. 16 năm trước tôi đã đạt bản hợp đồng lịch sử với Kohler, trở thành nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam dù không có tiền lẫn cửa hàng, kinh nghiệm. Chúng tôi cũng ký độc quyền với hơn 30 tập đoàn quốc tế lớn. Đây là chuyện hiếm xảy ra khi các đơn vị này đến thị trường bản địa, bởi họ sẽ chọn từ vài đến hàng chục nhà phân phối nhằm tăng độ phủ.
- Làm cách nào ông thuyết phục được Kohler - một trong thương hiệu hàng đầu trong ngành nội thất với với gần 150 năm hoạt động?
- Đó là một điều kỳ lạ, nhưng không phải nhờ may mắn.
Khi ấy chúng tôi chưa có kinh nghiệm, email, mọi giao dịch thực hiện qua fax gửi qua Mỹ rồi chuyển về Singapore. Đến ngày hẹn thì phải đi châu Âu, bay đến Mỹ, Thượng Hải, Đức, Pháp..., đứng trước các chuyên gia lão làng nhất để trình bày về kế hoạch của mình. Tôi trao đổi với họ bằng vốn tiếng Anh tự học, đôi lúc phải yêu cầu đối tác nói chậm lại mới nghe, trả lời được.
Trong số các hồ sơ trình lên, chúng tôi gần như bất lợi nhất vì không có showroom lẫn kinh nghiệm. Họ hỏi: Rita Võ có gì? Tôi nói: chúng tôi có báo cáo này và sẽ làm đúng như thế.
Báo cáo đó tôi viết về bản thân: một vợ ba con, 12 năm điều hành doanh nghiệp nhà nước và yêu thương hiệu Kohler rất nhiều, mang khát vọng lớn với ngành nội thất cao cấp. Tình yêu với Kohler đến từ nỗi ám ảnh lớn nhất của cuộc đời: chiếc toilet. Thời là sinh viên, tôi ở trong ký túc xá, mỗi ngày đi toilet đều phải bịt mũi, nín thở. Vì thế đi bất cứ nơi đâu, điều đầu tiên tôi làm là quan sát nhà vệ sinh. Những lần đi công tác, bước vào khách sạn 5 sao thấy thiết bị Kohler sạch và đẹp quá, tôi liền nảy sinh cảm tình, yêu mến. Rồi từ đó hình thành ước mơ biến mọi không gian nhà tắm tại gia đều chuẩn 5 sao, đẹp đẽ.
Nhưng tình yêu không là chưa đủ, trước một tập đoàn với bề dày hơn thế kỷ, bạn phải đưa ra được thứ họ cần - một bản chiến lược có tiềm năng
lớn. Từ khi ngồi trên ghế giảng đường, tôi đã bắt đầu quan sát thị trường. Trải qua nhiều công việc, tôi tích lũy kiến thức về thói quen, nhu cầu
người dùng, từ đó suy nghĩ ra những cách thức giải quyết nhu cầu đó.
- Ông đã đề ra chiến lược như thế nào với thị trường Việt Nam để thuyết phục đối tác dù tay trắng?
- Nhà phân phối không chỉ đóng vai trò vận chuyển, đưa món đồ này từ Mỹ về Việt Nam. Tại Rita Võ, chúng tôi là những người lên thực đơn, soạn bữa ăn theo đúng khẩu vị thực khách. Từ sự am hiểu thị trường, chúng tôi chọn lọc và định hướng nhà sản xuất tạo ra những bộ sưu tập phù hợp người Việt. Như bản thân tôi không cao quá 1,7 mét, nếu đưa ra một chiếc bàn, cái ghế thật cao thì tôi sẽ không mua. Phải chọn những bộ kích thước nhỏ hơn, vừa tầm ngồi và phù hợp không gian ngôi nhà.
Hay về giá, tuy Rita Võ có nhóm khách siêu giàu nhưng số lượng cực kỳ nhỏ. Vì vậy chúng tôi phát triển dải sản phẩm từ trung đến cao cấp, sẵn sàng đàm phán với đối tác để có giá bán tốt nhất, chấp nhận mức lời tối thiểu.
Như với thiết bị phòng tắm và bếp, chúng tôi đưa ra các gói sản phẩm ở mức giá cạnh tranh (gói focus và package). Ngoài hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM, chúng tôi ra mắt Karat - một thương hiệu bình dân cho nhóm khách phổ thông.
Rita Võ cũng yêu cầu thương hiệu nệm lò xo túi Simmons (Mỹ) sản xuất các dòng nệm phù hợp với đa số túi tiền của người Việt, mức giá chỉ từ 12 triệu
đồng nhưng chất lượng, tiêu chuẩn đạt chuẩn toàn cầu...
Những yêu cầu này rất khó được chấp nhận nhưng chúng tôi đã thành công khi thuyết phục họ bằng doanh thu, chứng minh thị trường có nhu cầu như thế. Người Việt mong muốn chất lượng tốt mà giá rẻ hơn. Giá thấp kéo theo lợi nhuận sẽ giảm nhưng tôi tin rằng "kiến tha lâu sẽ đầy tổ". Hệ thống Vật Liệu Xây Dựng và Nội Thất của Rita Võ hiện có 23 showroom, dù mức lời của từng món không nhiều nhưng cứ thêm hàng vào rổ sẽ dần tạo ra những con số đáng mơ ước.
- Từ khi thành lập đến nay, tập đoàn đã trải qua những khó khăn thế nào?
- Mọi người thường hay hỏi tôi có gặp khó khăn không, tôi bảo lúc nào cũng khó khăn cả. Đó là động lực để tôi không chủ quan mà cần hoàn thiện và nỗ lực hơn nữa.
Bối cảnh hiện nay có nhiều khó khăn với ngành sản xuất, logistics vì vậy ảnh hưởng mạnh đến giá cả. Nhưng thực tế, ngay cả miếng thịt heo, bó rau ở siêu thị cũng tăng giá. Vì vậy chỉ cần tăng đúng và hợp lý, người dùng sẽ hiểu, chấp nhận.
Năm nay, khó khăn lớn nhất của Rita Võ là nhân sự. Tôi đang dự kiến mở rộng sang lĩnh vực bất động sản và sản xuất. Vì vậy, bài toán đau đầu nhất lúc này là tìm đúng người điều hành quản lý, vận hành hiệu quả.
- Vì sao ông chọn tiến vào lĩnh vực bất động sản thời điểm này?
- Rita Võ có nhiều ngành hoạt động và chiến lược của tôi đưa ra tùy vào biến động thị trường. Cốt lõi vẫn là vật liệu xây dựng và nội thất cao cấp, những ngành khác là phụ trợ, trong đó có bất động sản.
Bất động sản tuy không phải mảng chính nhưng là đam mê của tôi suốt hàng chục năm nay: xây những tòa nhà định nghĩa lại về chất lượng cao cấp. Thế nào là cao cấp? Đó là dự án đạt chuẩn ở vị trí, chất lượng căn hộ, các nhà thiết kế. Từng viên gạch, cái đèn, toilet đều đạt chuẩn 5 sao và quản trị bởi Rita Võ.
Ở mảng này tôi dự kiến sẽ xây dựng khách sạn tại Phú Quốc và căn hộ siêu sang ở quận 5, thành phố Thủ Đức, TP HCM. Chung cư xây trong khuôn viên 3.600 m2, 22 tầng với hơn 280 căn hộ, tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng. Diện tích sàn 28.000 m2, giá bán thấp nhất 12.000 USD/m2, cao nhất tùy vị trí. Khách sạn 5 sao cũng xây dựng vào cuối năm nay với 300 phòng, tổng mức đầu tư 40-50 triệu USD. Quỹ đất chúng tôi chuẩn bị 20 năm nên có những vị trí đẹp, pháp lý đầy đủ.
- Ông đánh giá thế nào về hấp lực của thị trường địa ốc cao cấp?
- Tôi tự tin thị trường sẽ tiêu thụ hết vì số lượng căn hộ không nhiều nhưng thiết kế chuẩn, đầy đủ tiện nghi như một khách sạn 5 sao với nhà hàng, câu lạc bộ, business center... Tôi kỳ vọng mô hình này sẽ định nghĩa lại thế nào là một căn hộ cao cấp. Như bước vào căn phòng có hệ thống đèn đạt độ sáng chuẩn hóa, không làm ảnh hưởng mắt; gạch sàn của Italy không vênh, không bung; tủ bếp cho đến nhà tắm đều dùng thiết bị Italy, Đức... Có những bộ tủ bếp giá một tỷ đồng, chưa có thiết bị gia dụng.
Mức giá đưa ra cũng dựa trên khảo sát nhu cầu khu vực rồi đối chiếu trong nước. Singapore bán 60.000-100.000 USD/m2, Thái Lan giá 20-30.000 USD/m2. Thị trường Việt Nam có mức giá dễ tiếp cận hơn con số này.
Căn hộ siêu sang chọn khách hàng - những người bước vào là cảm thấy xứng tầm. Rita Võ cũng chọn khách hàng. 280 căn là bài toán đơn giản với tập khách hàng hiện tại. Chúng tôi có vài chục nghìn khách hàng năm, đến nay đã lên tới một triệu khách. Trong đó có 2-3% là khách siêu giàu, nội lực lớn và họ thực sự có nhu cầu về một nơi an cư xứng tầm.
- Hoạt động đa ngành, ông làm cách nào để đảm bảo trục tăng trưởng của công ty?
- Có rất nhiều người hỏi tôi về kinh doanh đa ngành. Bí quyết của tôi rất đơn giản: nhân sự. Những phó tổng hiện tại thay thế hoàn hảo vai trò của tôi ở các mảng. Cấp trưởng phòng đến giám đốc có 50 người và tôi tin tưởng tuyệt đối. Thậm chí một tháng tôi chỉ đến công ty hai lần. Vị trí chủ tịch lúc này chỉ cần phát triển cái mới - tập trung làm chiến lược, mở rộng đối tác và đào tạo con người.
Hiện nay RitaVõ có khoảng 1.500 nhân viên với môi trường làm việc năng động. Chúng tôi có nhiều cơ hội cho các nhân tố mới phát triển hết khả năng. Tôi không có nghệ thuật gì để giữ người, bản thân cũng khá nóng tính nhưng dàn nhân sự cấp cao đều đã đi theo hàng chục năm. Thậm chí mọi người còn nói nhau: anh Triển đuổi cũng không nghỉ. Nhưng mà tôi cũng không đuổi nhân viên đâu (cười).
- Kế hoạch của đơn vị trong thời gian tới là gì?
- Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, tập trung vào vật liệu xây dựng và nội thất cao cấp, mục tiêu mở ra 50 showroom toàn quốc. Tôi kỳ vọng sẽ xuất khẩu thành công, tiến ra thị trường thế giới. Trước mắt tôi chưa có suy nghĩ lên sàn vì vẫn ưu tiên giữ quyền chủ động trong quản trị độc đoán.
Về mảng sản xuất, tháng 12/2021, chúng tôi ra mắt RitaVõ LifeWindow - tiền thân là thương hiệu và nhà máy sản xuất cửa nhôm, cửa nhựa LifeWindow thành lập từ 2008. Cùng với việc mua nhà máy, Rita Võ bước từ bán lẻ sang sản xuất mọi thứ liên quan vật liệu xây dựng. Thời gian tới chúng tôi sẽ mở rộng sản xuất để xuất khẩu, phục vụ thị trường từ trung đến cao cấp.
Doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động hướng tới cộng đồng, đóng góp xã hội thể hiện qua hai việc - nộp thuế và từ thiện. Năm qua chúng tôi nộp ngân sách 700 tỷ đồng. Trong thời gian Covid-19 chúng tôi trao tặng 10.000 bộ đồ bảo hộ và kit test cho Hà Nội, Bình Dương, Kiên Giang, Hồ Chí Minh... hỗ trợ làm đường, xây trường, tài trợ mổ tim, nhận nuôi các em bé mồ côi vì Covid-19 đến 18 tuổi...
Nội dung: Minh Tú - Thiết kế: Thanh Đào