Ông Vương Đình Huệ nêu vấn đề trên tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo kế hoạch giám sát việc thực hiện các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (giai đoạn 2019 - 2021), sáng 21/9.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giúp bộ máy tinh gọn, hiệu lực và chi thường xuyên hiệu quả hơn. Do đó, trước hết giám sát phải trả lời được câu hỏi sau sáp nhập và tinh giản biên chế, đầu mối có giúp giảm chi phí ngân sách hay không.
"Quan trọng là giảm bao nhiêu biên chế, bao nhiêu đầu mối và tiết kiệm được kinh phí như thế nào phải làm rõ", ông Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về giám sát việc sáp nhập huyện, xã. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Từ cách tiếp cận trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát ngoài báo cáo của tỉnh cần bám sát số liệu của Bộ Tài chính, "không nghe, không nhìn một chiều để đảm bảo thông tin khách quan, độc lập".
Đoàn giám sát cũng cần tìm hiểu sau khi sắp xếp xong, "tình hình ở địa phương có ổn định, tư tưởng có thông không? Có vấn đề gì phức tạp nảy sinh không?".
Ông Huệ nêu rõ, yêu cầu tiếp theo của việc sáp nhập huyện, xã là phải nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương. Việc sáp nhập không chỉ để giảm số lượng đơn vị hành chính đơn thuần mà thông qua đó, phải nâng cao hiệu lực bộ máy.
"Nếu hai anh yếu nhập lại thành một anh yếu thì không có ý nghĩa gì nhiều; một anh mạnh, một anh yếu nhập thành một anh yếu là không đạt; hai anh khỏe nhập lại thành một anh yếu thì chết", Chủ tịch Quốc hội nói.
Ông cũng yêu cầu đánh giá các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, chỉ số hài lòng của người dân, vì "đây mới là điều quan trọng chứ không phải chỉ là động tác ra nghị quyết nhập tách, tách nhập".

Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 22/9. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng báo cáo, vừa qua 45 tỉnh, thành đã sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã; giảm 8 huyện, 591 xã.
Hồi tháng 8, Bộ Nội vụ đã báo cáo tổng kết, trên cơ sở đó đánh giá việc thực hiện nghị quyết 1211 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Đây là căn cứ sắp xếp các đơn vị hành chính từ 2022 trở về sau.
Theo ông Thăng, nghị quyết Đại hội XIII nêu "tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và nguyên cứu để thực hiện với cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp". Tuy nhiên trong Luật Quy hoạch lại bỏ quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp. Vì vậy "sắp tới sẽ rất khó trong rà soát, đánh giá, tổng kết".
"Chúng tôi đã gửi báo cáo để Bộ Tư pháp thẩm định trước khi Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội sửa nghị quyết 1211", ông Thăng nói.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (giai đoạn 2019 - 2021).
Tháng 3/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về nội dung này, xác định các đơn vị thuộc diện sắp xếp gồm huyện, xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn; khuyến khích sắp xếp các đơn vị hành chính còn lại để giảm số lượng.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo kế hoạch giám sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021".
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đoàn sẽ giám sát trong khu vực công, ở 5 lĩnh vực. Đó là quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý vốn nhà nước khác; quản lý tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động; và quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chuyên đề giám sát này được các cơ quan chức năng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm, kỳ vọng. Quốc gia nào cũng chú ý đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là những nước có nguồn lực còn hạn chế như Việt Nam .
"Điều kiện khó khăn mà không tiết kiệm thì rất có lỗi với dân", ông nói.
Giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong bốn chuyên đề giám sát năm 2022 của Quốc hội. Ba chuyên đề giám sát còn lại là công tác quy hoạch; việc thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016-2021 và việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019-2021.