Ngày 6/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô, Vành đai 3 TP HCM; ba tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ là cố gắng tạo đồng thuận cao để tổ chức thực hiện, kết thúc năm 2025 có thêm cao tốc, tạo đột phá cho kết cấu hạ tầng. "Chúng ta đang tập trung làm theo trục Bắc Nam, còn các tuyến đường kết nối vẫn thiếu nhiều trong khi đây cũng là các tuyến quan trọng", ông Huệ nói.
Ông cho hay lần này sẽ dành nguồn lực ưu tiên vốn cho Vành đai 3 TP HCM do tính cấp bách. Dự án sẽ được cơ bản bố trí đủ vốn để hoàn thành năm 2025; quyết toán và đưa vào sử dụng từ năm 2026. Tuyến đường này không chỉ cho miền Đông Nam Bộ mà kết nối cả miền Tây Nam Bộ.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, lúc đầu dự án Vành đai 3 nghiên cứu đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nhưng sau đó thành phố thấy PPP không khả thi. Lý do là đóng góp của ngân sách nhà nước trong các phương án PPP lên đến 82%, vượt quy định ngân sách trong các dự án PPP không quá 50%. Thời gian thu hồi vốn 28 năm, quá dài và không hấp dẫn các nhà đầu tư. Do đó, thành phố báo cáo và Chính phủ quyết định trình Quốc hội đầu tư dự án này theo hình thức đầu tư công.
Đường Vành đai 3 khi hoàn thành sẽ giúp TP HCM, các tỉnh trong khu vực dự án, đặc biệt là vùng trọng điểm phía Nam giải quyết điểm nghẽn giao thông, mở ra tuyến giao thông chiến lược. Nếu có Vành đai 3 thì việc "xuyên tâm" TP HCM và một số vị trí ở các địa phương trong vùng dự án sẽ được giải quyết; tạo ra dòng lưu thông thông suốt, thời gian di chuyển ngắn hơn, giảm chi phí logistic.
Mặt khác, khi Vành đai 3 hoàn thiện sẽ là hành lang cho đô thị và công nghiệp không chỉ của 4 tỉnh thành mà tác động lan tỏa cả khu vực phía Nam và kết nối vùng. Vành đai 3 là điểm đầu của rất nhiều tuyến cao tốc kết nối TP HCM với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, nếu không giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn thiện dự án thì sau này mở ra 6 hoặc 8 làn xe sẽ rất khó khăn, chi phí lớn, thời gian kéo dài. Vì vậy, giai đoạn một Vành đai 4 làm 4 làn xe, nhưng giải phóng mặt bằng 8 làn xe. "Việc giải phóng mặt bằng một lượt theo quy mô toàn bộ dự án bằng mọi giá là cần thiết, lúc này phát sinh thêm chi phí giải phóng mặt bằng nhưng tính trong tổng thể sẽ rẻ, hiệu quả", ông Mãi nói.
Trong quá trình rà soát cho đến khi trình ra hôm nay, TP HCM cùng các địa phương, bộ ngành đã bỏ các nút nút giao không cần thiết nên từ tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu trên 85.000 tỷ đồng, sau rà soát giảm gần 10.000 tỷ. Trong thời gian thực hiện, nếu tổng mức đầu tư tăng thì ngân sách địa phương tự cân đối.
Chính phủ đề nghị với các gói thầu được chỉ định thầu, áp dụng trong toàn bộ thời gian dự án, nhưng Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ hai năm từ khi có nghị quyết. Các địa phương sẽ cố gắng thực hiện, nhưng có thể vì lý do gì đó vượt ra khỏi thời gian thì phải xin ý kiến Quốc hội, nên ông Mãi "mong đại biểu cân nhắc".
Với dự án Vành đai 4 và ba dự án cao tốc còn lại mà Chính phủ trình, Chủ tịch Quốc hội cho biết các cơ quan thống nhất giãn tiến độ một năm. Việc lùi tiến độ sẽ khả thi trong thực hiện, không gây căng thẳng về vốn; dành được vốn nhất định trong đầu tư công trung hạn kỳ này để bổ sung cho danh mục dự án, nhiệm vụ của một số địa phương thuộc gói kích thích kinh tế.
Chẳng hạn, dự án đường Hòa Bình - Sơn La cần 9.000 tỷ đồng nữa để hoàn thành, trước đây chỉ tính toán bố trí vốn được khoảng 4.000 tỷ đồng. Nhờ cơ cấu lại nguồn lực nên có thể dành một phần vốn cho đoạn tuyến này, để kết nối xong đoạn Hà Nội đi Hòa Bình, lên Sơn La, cả tuyến Tây Bắc được lợi.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, dự án Vành đai 4 có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn với phát triển kinh tế - xã hội. Dự án được phân thành 7 dự án thành phần là hợp lý, trong đó tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Ông Dũng cũng cho rằng, giải phóng mặt bằng luôn là khó khăn nhất đối với các dự án đầu tư công. Vì thế, giải phóng mặt bằng đồng bộ gồm cả 9,7 km tuyến nối và dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai là hợp lý. Dự án Vành đai 4 có tổng diện tích đất chiếm dụng 1.341 ha, trong đó TP Hà Nội 741 ha, cơ bản là đất nông nghiệp nên việc giải phóng mặt bằng thuận lợi, không ảnh hưởng nhiều đến người dân hai bên đường.
Về cơ chế chỉ định một số gói thầu, chung quan điểm với Chủ tịch TP HCM, ông Dũng nói nếu chỉ áp dụng trong hai năm thì không phù hợp vì năm 2022 đã qua 6 tháng. "Thành phố đang đẩy nhanh phân tuyến, cắm mốc, tính giá đền bù giải phóng mặt bằng, để sau khi Quốc hội thông qua là triển khai", ông nói.
Bà Đào Hồng Lan, Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh, cho rằng việc đảm bảo cơ cấu nguồn đầu tư là khó khăn nhất hiện nay, khi phần lớn dự án sử dụng cơ cấu vốn hỗn hợp (trung ương, địa phương). Từ tháng 3, Bắc Ninh đã thông qua triển khai Vành đai 4, ban đầu đề nghị Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương vay, nhưng thẩm tra cho thấy không phù hợp.
"Chúng tôi đề nghị tính toán đảm bảo vốn thì cho phép các tỉnh sử dụng nguồn từ cải cách tiền lương", bà nói, cho biết Bắc Ninh hiện ngoài nguồn cải cách tiền lương theo quy định thì vẫn còn một nguồn dự phòng, nếu được thì dùng khoản này để triển khai dự án quan trọng, như tuyến cao tốc đi qua địa phương. Nếu thiếu, địa phương đề nghị Trung ương cho sử dụng nguồn huy động trái phiếu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói "không nên đặt vấn đề này". Khoản vượt thu ngân sách trung ương 2021 gần 22.000 tỷ đồng được quyết định để lại dùng cho cải cách tiền lương. Cải cách tiền lương khác điều chỉnh lương hàng tháng. Tiền lương không phải chi một lần mà khoản chi thường xuyên hàng năm.
"Quốc hội đã có Nghị quyết không được dùng nguồn cải cách tiền lương cho việc khác, với bất kỳ lý do gì", ông Huệ nói, nhấn mạnh việc hoãn việc cải cách tiền lương đã vài năm và ba năm nay chưa điều chỉnh lương cho cán bộ, công chức. Hơn nữa, Chính phủ, Thường vụ Quốc hội trình các dự án không đặt vấn đề dùng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư cao tốc.
Ông Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, cho rằng nếu Quốc hội cho cơ chế đặc thù để triển khai nhanh các dự án thì cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán, để "không xảy ra trục trặc". "Sẽ không vui sau khi thực hiện dự án lại liên quan kỷ luật, sai sót", ông Quang nói.