Sáng 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc quản lý, sử dụng kit, test, đã được nhiều cơ quan kiểm tra, thanh tra. Vì vậy, đợt giám sát này không nên tập trung vào vấn đề cũ mà chuyển trọng tâm sang vaccine. "Sau khi có cơ chế COVAX, viện trợ vaccine là bao nhiêu. Mua sắm có đúng quy định không, phân phối ra sao, quản lý sử dụng như thế nào", ông Huệ nêu hàng loạt câu hỏi.
Ông băn khoăn quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, chế tạo vaccine nội địa của Việt Nam đến đâu khi các vaccine như Nanocovax "vẫn chưa thấy kết quả gì"? Trong khi đó, đất nước vẫn đối mặt với nỗi lo Covid-19 diễn biến phức tạp, dịch đậu mùa khỉ, dịch chồng dịch. "Vấn đề tự lực tự cường trong phòng chống dịch rất quan trọng. Tôi thấy Kiểm toán Nhà nước, thanh tra vẫn chưa đi sâu vào cái này", Chủ tịch Quốc hội nói.
Lãnh đạo Quốc hội cũng đề nghị đoàn giám sát xem xét hiệu quả sử dụng nguồn lực như ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, quỹ dự phòng. Cần xác định trọng tâm giám sát, những sai phạm có thể gặp phải để bố trí cán bộ, lực lượng phù hợp, tránh chồng chéo.
Ông Huệ nhấn mạnh nguyên tắc "giám sát không gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống y tế", bởi hiện nay ngành rất bận rộn, chịu nhiều áp lực. Đoàn cần nghiên cứu, đánh giá kỹ rồi mới xuống địa phương, tránh "kéo quân ào ạt".
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng đây là chuyên đề rất thời sự khi vụ Việt Á đang gây tác động rất lớn. Đoàn giám sát cần có các tổ đi nhiều nơi để lắng nghe, kiểm tra việc huy động nguồn lực chống dịch, tránh nghe báo cáo một chiều mà không nắm được thông tin cần thiết.
"Như vừa rồi tổ giám sát về thực hiện chính sách tiết kiệm, chống lãng phí đi các địa phương, thấy có rất nhiều vấn đề. Tổ phải đi mấy đợt mới ra được, còn nếu thoảng qua thì không hiệu quả", ông Cường nói.
Trưởng đoàn giám sát, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết kế hoạch giám sát tại bộ ngành đã được tính toán rất kỹ. Đối với địa phương, Hà Nội và TP HCM là hai thành phố lớn nên buộc phải đến, còn lại đoàn sẽ chọn mỗi vùng 2-3 tỉnh, tối thiểu 8 và tối đa 12 tỉnh để giám sát.
"Chúng tôi sẽ phân công trưởng đoàn, ba phó trưởng đoàn mỗi người dẫn đầu một nhóm để đi giám sát, mỗi tỉnh trong một ngày, một đoàn đi 10 người. Buổi sáng chia nhóm đi làm việc với cơ sở, bộ ngành, chiều tập trung làm việc với lãnh đạo tỉnh,", ông Định nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết thời gian giám sát từ ngày 1/1/2020 đến hết 31/12/2022. Nội dung tập trung vào kết quả huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch như ngân sách Nhà nước, quỹ tài chính, khoản viện trợ, chính sách tài khóa, tiền tệ...
Việc tổ chức hệ thống y tế cơ sở, điều kiện đảm bảo và thực hiện quy định về y tế cơ sở; cơ chế quản lý, cơ chế tài chính; phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn tài chính cho y tế cơ sở; tổ chức bộ máy y tế dự phòng, điều kiện đảm bảo và thực hiện quy định về y tế dự phòng cũng sẽ được giám sát.