Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng phu nhân diễn ra ngày 2-8/4, theo lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Tulia Ackson và Tổng thư ký IPU Martin Chungong, Chủ tịch Thượng viện Quốc hội Uzbekistan Tanzila Narbaeva, Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan, theo thông cáo hôm nay của Bộ Ngoại giao.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: TTXVN
IPU được thành lập năm 1889, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, là tổ chức quốc tế tập hợp nghị viện các quốc gia có chủ quyền, gồm 181 thành viên và 15 thành viên liên kết. Kể từ khi được kết nạp làm thành viên của IPU vào tháng 4/1979, quốc hội Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm tại diễn đàn này.
Đại hội đồng IPU lần thứ 150 sẽ diễn ra tại Tashkent, Uzbekistan ngày 5-9/4, nơi các đại biểu sẽ thảo luận về các chương trình hành động nghị viện vì phát triển và công bằng xã hội.
Việt Nam - Uzbekistan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 17/1/1992. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 202 triệu USD, tăng 26,5% so với năm 2023.
Việt Nam chủ yếu nhập phân bón, sợi các loại, bông, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, xuất khẩu sang Uzbekistan máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, gỗ và sản phẩm từ gỗ, hàng dệt may, cao su. Việt Nam hiện có 5 dự án đầu tư vào Uzbekistan còn hiệu lực, với số vốn đạt 4,4 triệu USD.
Việt Nam và Armenia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 14/7/1992. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 492 triệu USD, tăng 42% so với năm 2023, trong đó Việt Nam xuất khẩu hơn 491 triệu USD, chủ yếu là điện thoại và linh kiện, máy vi tính và nhập khẩu 763.000 USD.
Armenia có một số dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam như dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử có vốn đăng ký 12,9 triệu USD tại KCN Bắc Chu Lai, Quảng Nam. Hiện có khoảng 20-30 công dân Việt Nam sinh sống, học tập tại Armenia.
Ngọc Ánh