Chiều 22/11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Hun Sen tại Phnom Penh. Lãnh đạo Việt Nam khẳng định luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho việc củng cố và tăng cường quan hệ song phương. "Lịch sử đã chứng minh sự gắn bó, đoàn kết hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau là tất yếu khách quan, quy luật sống còn, nhân tố quan trọng hàng đầu đối với an ninh, phát triển của mỗi nước", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Thượng viện Hun Sen khẳng định Campuchia không bao giờ quên sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Việt Nam trong giai đoạn trước đây cũng như hiện nay. Trước những thách thức chung của khu vực và toàn cầu hiện nay, hai nước càng phải gắn bó, hợp tác chặt chẽ hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, quốc phòng, an ninh...
Ông Hun Sen đề nghị hai bên tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế hợp tác sẵn có và duy trì các cơ chế hợp tác chiến lược; tiếp tục phát triển mối quan hệ giữa ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam với những biện pháp, cách thức phù hợp, linh hoạt, hiệu quả hơn.
Người đứng đầu Quốc hội Việt Nam đề nghị hai nước tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác, tăng cường các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao. Việt Nam luôn ủng hộ và vui mừng khi Campuchia phát triển hòa bình, an ninh, an toàn, ổn định và coi đó là lợi ích của Việt Nam.
Chủ tịch Hun Sen tán đồng với đề nghị của Chủ tịch Quốc hội về việc hai bên cần kiên định nguyên tắc không cho phép bất cứ lực lượng chính trị, quân sự nào sử dụng lãnh thổ của nước mình để chống nước kia; thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đã ký; phối hợp đấu tranh ngăn chặn các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phòng chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, hợp tác bảo vệ an ninh quốc gia, kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn các loại tội phạm xuyên biên giới; phối hợp ngăn chặn thông tin giả mạo, sử dụng mạng xã hội để gây tin thất thiệt, có tính chất kích động gây chia rẽ quan hệ hai Đảng, hai nước.
Về vấn đề sông Mekong, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Campuchia tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa hai nước với các nước, tổ chức quốc tế và khu vực trong việc giữ gìn, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã hội kiến Thủ tướng Campuchia Hun Manet. Cho rằng tiềm năng giữa hai nước còn rất lớn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đề nghị phía Campuchia tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại nước này.
Quốc hội Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Campuchia để thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp tích cực triển khai hiệu quả các hiệp ước, hiệp định, thỏa thuận đã ký kết; phối hợp tổ chức tốt kỳ họp lần thứ 21 Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Văn hóa, Khoa học và kỹ thuật, Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ 13 tại Campuchia vào thời gian phù hợp.
Việt Nam đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy công tác phân giới cắm mốc 16% còn lại nhằm xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển lâu dài giữa hai nước.
Hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương; phối hợp chặt chẽ tại ASEAN và Liên Hợp Quốc, duy trì, thúc đẩy đồng thuận ASEAN, trong đó có vấn đề Biển Đông; đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc, chống phá quan hệ Việt Nam - Campuchia.
Thủ tướng Hun Manet nhấn mạnh chính phủ hai nước cần phối hợp, thông tin kịp thời cho nhau các vấn đề để đối phó với những thách thức đe dọa đến sự phát triển của mỗi nước; ủng hộ quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp vì lợi ích của người dân; đề nghị tăng cường hợp tác hơn nữa trên các lĩnh vực giữa ba bên Việt Nam - Lào - Campuchia để phát triển kinh tế, nhất là thông qua các kết nối về du lịch, thương mại.
Thủ tướng Hun Manet nhấn mạnh sự phát triển của Việt Nam - Campuchia sẽ đóng góp chung cho sự ổn định và phát triển của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, cũng như của khu vực ASEAN và thế giới.