Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Áo, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Bỉ và thăm chính thức Phần Lan từ ngày 5/9 đến 11/9, theo Báo Chính phủ.
Chuyến công tác châu Âu này nhằm triển khai chiến lược ngoại giao vaccine. Tại Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự kiến chia sẻ, đóng góp các ý kiến, đề xuất của Việt Nam đối với công cuộc phòng chống, kiểm soát và đẩy lùi đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.
Thông qua tiếp xúc song phương, đoàn công tác Việt Nam sẽ triển khai tích cực ngoại giao vaccine, trao đổi, vận động các nước, đối tác, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp tài trợ, viện trợ vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế, thúc đẩy thương mại vaccine, tranh thủ nguồn dư vaccine của các nước nhằm đa dạng hóa nguồn cung vaccine cũng như thuốc điều trị và trang thiết bị y tế cần thiết cho phòng, chống dịch trong nước.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam sang châu Âu từ sau Đại hội XIII của Đảng. Chuyến thăm cũng tiếp nối thành công của Đại hội đồng liên minh nghị viện các nước ASEAN (AIPA lần thứ 42) kết thúc cuối tháng 8, khẳng định cộng đồng ASEAN đoàn kết, năng động, thích ứng với những thách thức của đại dịch Covid-19 để phát triển bền vững.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng 114 Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện, 30 Phó chủ tịch Quốc hội từ 104 nghị viện thành viên của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), 7 thành viên liên kết và 10 quan sát viên sẽ tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới do IPU và Liên Hợp Quốc tổ chức.
Chủ tịch Quốc hội sẽ phát biểu, nêu quan điểm của Việt Nam tại phiên họp toàn thể, tham dự và thảo luận tại các phiên họp chuyên đề hướng tới Hiệp ước toàn cầu về bình đẳng giới, giảm thiểu tác động của đại dịch, phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi nền kinh tế để ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự kiến tiếp xúc song phương với một số trưởng đoàn, Chủ tịch Nghị viện một số nước, đối tác lớn, quan trọng, tiếp xúc, làm việc với một số tổ chức quốc tế và các tổ chức thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Vienna, Áo.
Chủ tịch Quốc hội sẽ kết hợp thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Bỉ và thăm chính thức Phần Lan. Đặc biệt với Phần Lan, đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau gần 30 năm, tạo dấu mốc mới trong quan hệ hợp tác và cơ quan lập pháp hai nước. Thông qua Phần Lan, Việt Nam cũng mong muốn thúc đẩy quan hệ với các nước trong khu vực Bắc Âu và vùng Baltic.
Với EP, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội có ý nghĩa quan trọng sau khi EP và Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) trong năm 2020.
Đối với Hiệp định EVIPA, ngoài EP đã thông qua thì nghị viện của các nước thành viên cũng phải thông qua mới có hiệu lực thực thi. Nghị viện Áo, Bỉ và Phần Lan đều chưa thông qua EVIPA.
Huyền Lê