Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sáng 6/4 phát biểu tại phiên toàn thể cấp cao Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 150 (IPU-150) ở thủ đô Tashkent của Uzbekistan. Khóa họp có chủ đề "Hành động nghị viện vì phát triển và công bằng xã hội".
Theo Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các nghị viện cần lấy tinh thần kiến tạo phát triển làm nòng cốt, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, đi đôi với việc giám sát thực thi và tạo điều kiện triển khai hiệu quả các chính sách phát triển mang tính bao trùm, toàn diện và đột phá.
Các nghị viện cần đặt người dân ở vị trí trung tâm, thực sự khẳng định bản chất của cơ quan dân cử, lấy công bằng và tiến bộ xã hội làm thước đo cao nhất của sự phát triển. Cần tăng cường phối hợp và hợp tác giữa các nghị viện thành viên, nhất là trong bảo vệ hòa bình, giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế. Diễn đàn IPU có thể tạo ra một mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn giữa các nghị viện thành viên.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên toàn thể cấp cao Đại hội đồng IPU-150 ở Uzbekistan ngày 6/4. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định không một quốc gia hay xã hội nào có thể phát triển bền vững nếu không đặt người dân làm trung tâm trong mọi chính sách.
Khẳng định phát triển bền vững cần đi đôi với tiến bộ công bằng xã hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng không thể coi phát triển là thành công nếu một bộ phận đáng kể người dân bị bỏ lại phía sau. Ông nhấn mạnh các nghị viện phải đảm bảo mọi chính sách đều hướng tới việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, mọi người dân, không phân biệt giới tính, tôn giáo, sắc tộc hay thành phần xã hội đều được hưởng lợi từ các thành quả phát triển.
Để hướng tới mục tiêu này, ông cho biết Quốc hội Việt Nam đã và đang nỗ lực tạo dựng hệ thống pháp luật và chính sách công bằng, thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng và thực thi chính sách.
Quốc hội Việt Nam cũng đang nỗ lực hoàn thiện khung khổ pháp lý, kịp thời tháo gỡ những bất cập về thể chế để khơi thông các nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh và chuyển đổi năng lượng.
IPU được thành lập năm 1889, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, là tổ chức quốc tế tập hợp nghị viện các quốc gia có chủ quyền, gồm 181 thành viên và 15 thành viên liên kết. Quốc hội Việt Nam được kết nạp làm thành viên của IPU vào tháng 4/1979.
Phạm Giang