Trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 23/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho hay, Luật Đầu tư công năm 2003 có nhiều tồn tại, hạn chế như phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư tràn lan không tính đến khả năng cân đối vốn, bố trí vốn dàn trải dẫn đến thời gian thi công kéo dài… Bên cạnh đó, tình trạng thi công vượt quá vốn kế hoạch được giao gây nợ đọng xây dựng cơ bản quá mức, gây áp lực đến cân đối ngân sách nhà nước các cấp.
Vì thế, luật sửa đổi sẽ tập trung quy định toàn bộ quá trình quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và vốn vay ưu đãi, các khoản vốn đầu tư khác có tính chất ngân sách nhà nước… để đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng.
Riêng nguồn vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp nhà nước không đưa vào phạm vi điều chỉnh luật này mà sẽ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. "Việc thông qua Luật Đầu tư công lúc này vô cùng quan trọng, nếu không thì bó tay với đầu tư dàn trải, lãng phí", Bộ trưởng Vinh nói.
Hàng loạt dẫn chứng về đầu tư lãng phí được Bộ trưởng Vinh đưa ra như dự án đường ven biển miền Trung hiệu quả rất thấp do không có người sử dụng; hay đầu tư xây dựng các chợ dân sinh, trung tâm thương mại tại cửa khẩu… không có người kinh doanh, mua bán nên bị bỏ hoang.
Nêu kết quả rà soát, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư cho hay, lãng phí nhất, thất thoát nhiều nhất chính là từ chủ trương đầu tư sai. Các khâu quy hoạch, thi công, xây dựng… tuy có thất thoát nhưng mức độ không bằng.
"Thủ tướng bức xúc nói tại sao đường miền núi mà lại làm rộng 60-70 m, ai quyết định đầu tư? Công trình khổng lồ mấy chục nghìn tỷ đồng quyết cái xong ngay, đến lúc không có tiền mà vẫn cứ phải lao theo", ông Vinh nói.
Cũng theo Bộ trưởng Vinh, từ trước tới nay tồn tại tình trạng địa phương không cần biết “trong túi có bao nhiêu tiền" mà cứ ký cho đầu tư dự án tràn lan, cũng không có thẩm định vốn. Dự thảo luật quy định trong thẩm định vốn phải đạt 80% mới triển khai. Đồng thời, ai quyết chủ trương sai sẽ phải chịu trách nhiệm.
Chia sẻ với tư lệnh ngành kế hoạch đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ sự bức xúc với tình trạng "trúng thầu trăm tỷ, nhưng thanh toán vài trăm tỷ diễn ra triền miên, đến độ trở thành chuyện bình thường”. Ông yêu cầu Luật Đầu tư công (sửa đổi) phải siết lại chỉ một giá - trúng thầu bao nhiêu trả bấy nhiêu - chứ không để tiếp tục tái diễn tình trạng điều chỉnh vì lý do tăng lương hay lạm phát.
"Tất nhiên những rủi ro như thiên tai thì phải chịu, còn tất cả những rủi ro do con người gây ra cần phải được tính toán hết vào dự toán", Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.
“A-B (chủ đầu tư và nhà thầu) là chùm khế ngọt. Các ông ngồi đây biết rõ, tôi biết rõ mà không làm gì được vì cơ quan thẩm quyền đóng dấu hết, phê duyệt hết rồi. Nếu cứ tiếp tục để tình trạng đó thì luật chất lượng kém. Không sửa được điều này thì không chống được tham nhũng, lãng phí. Nguyên tắc là không điều chỉnh giá thầu, chỉ điều chỉnh khi bất khả kháng", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Với 6 chương, 74 điều, dự luật sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.
Chiều 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự luật Xây dựng (sửa đổi). Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, thực tế có việc điều chỉnh quá dễ dàng nên quy hoạch thay đổi liên tục. “Đã là quy hoạch phải có hơi thở, có thời gian nhưng cứ 3-5 năm thay đổi liệu có đảm bảo? Quy hoạch không thể tùy tiện điều chỉnh, còn khi điều chỉnh phải có căn cứ hết sức khoa học”, ông Hiển nói. Chủ nhiệm Hiển cũng đặt ra yêu cầu dự luật phải có quy định chặt chẽ, đưa trật tự xây dựng vào nề nếp, không để tiếp tục xảy ra tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo”… như thời gian vừa qua. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì đề nghị cơ quan soạn thảo cố gắng đưa quy định trong các dự thảo nghị định vào hết trong luật, trừ nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Dự luật này sẽ được Quốc hội bàn thảo vào cuối năm và thông qua vào kỳ họp giữa năm 2014. |
Nguyễn Hưng