Chiều 22/6, tại Đại hội cổ đông thường niên 2019 của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán QCG), Chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan trải lòng với nhà đầu tư về nỗi khổ hàng loạt dự án bị đình trệ. Bà Loan cho biết rất đau đầu vì có nhiều dự án đã đền bù 100% nhưng không thể triển khai.
Chủ tịch QCG cho hay rất sốt ruột với dự án Đa Phước, công ty đã đền bù 100% nhưng không triển khai được dù thị trường đang cần phân khúc sản phẩm này chỉ vì vướng thủ tục mới. Dự án đã được duyệt quy hoạch 1/500 nhưng có đất xen cài (đất nhà nước quản lý không cấp sổ đỏ cho dân, đất đường đi, đất kênh rạch...) nên giẫm chân tại chỗ. Trước đây để xử lý tình huống này cần ra hội đồng thẩm định giá (thông lệ 10 năm nay vẫn thực hiện bình thường) nhưng tình hình đột ngột ách tắc từ năm 2018 đến nay vì cơ chế rà soát mới.
Theo quy định mới, đất công dù chỉ 1m2 cũng phải đấu giá nên dự án bị vướng ở khâu này, không được giao đất và chuyển mục đích sử dụng đất. Công ty phải gửi công văn tới Tổng cục Quản lý Đất đai để xin hướng dẫn và mất rất nhiều thời gian chờ đợi. "Có nhiều lúc đi lo thủ tục pháp lý về chán đến độ không muốn làm nữa", bà Loan nói.
Tương tự, công ty còn có dự án Sông Đà (Thủ Đức) 2,8 ha đã đền bù 100% nhưng cũng vướng đất xen cài nên chưa thể thực hiện dự án. Điều khiến bà Loan lo ngại là những thủ tục trước đây đã chấp thuận đầu tư có thể bị hết hạn trong thời gian tới, buộc phải quay trở lại các bước ban đầu, mất thêm rất nhiều thời gian. "Những ách tắc này không phải do doanh nghiệp tạo ra. Đất xen cài cần đấu giá theo luật nhưng hiện nay chưa ai hướng dẫn đấu giá ra sao", bà Loan chia sẻ với cổ đông.
Dự án Phước Kiểng 91ha, công ty đã đền bù 97%, còn 3% đang xây nhà làm thủ tục tái định cư cho người dân cũng đang vướng đất xen cài, đường đi. Nếu xử lý xong khâu giải phóng mặt bằng thì lại lo hết hạn chấp thuận đầu tư vì phải quay lại thủ tục từ đầu. "Doanh nghiệp phải chạy trong vòng lẩn quẩn giữa con gà và quả trứng", bà Loan than thở.
Trước đó, tại hội nghị lãnh đạo TP HCM gặp gỡ và đối thoại với 100 doanh nghiệp bất động sản, bà Loan từng bức xúc kể công ty đang có 12 dự án bị ách tắc trên địa bàn với tổng quỹ đất 150 ha. Trong số quỹ đất này, có những dự án hồ sơ pháp lý hoàn chỉnh, sắp về đích nhưng phải làm lại từ đầu.
Mặc dù kể khổ vì hàng loạt dự án bị vướng thủ tục pháp lý, bà Loan cho hay công ty may mắn không còn phải chịu áp lực nợ xấu quá lớn từ ngân hàng và không phải nơm nớp lo bị siết nợ.
Người đứng đầu QCG giải thích, nguồn thu từ thủy điện ổn định, doanh thu 45-50 tỷ, trừ thuế còn 30 tỷ. Cao su tuy giá thấp, không có lợi nhuận nhưng không vay đầu tư nên tạm ổn. Hiện nợ ngân hàng còn khoảng 600 tỷ đồng, đã giảm được rất nhiều so với những năm trước. Công ty chỉ nợ cá nhân và các đối tác nhưng không bị áp lực trả nợ và siết nợ từ ngân hàng. Bù lại, nợ đối tác thì phải hoàn thành sản phẩm để trả nợ.
Trong 3 tháng đầu năm 2019, công ty đạt 378 tỷ đồng doanh thu và hơn 6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (giảm 87% so với cùng kỳ), thực hiện được 30% kế hoạch doanh thu và 3% kế hoạch lợi nhuận.
Năm 2019, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 1.250 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này lại thấp hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu của năm trước là 1.800 tỷ đồng doanh thu thuần và 320 tỷ đồng lãi trước thuế vì lý do thực hiện pháp lý các dự án bất động sản ngày càng khó khăn.
Trong năm 2018, QCG chỉ thực hiện được 41% kế hoạch doanh thu và 33% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, tương ứng đạt 732 tỷ đồng và chưa đến 107 tỷ đồng. Các khó khăn về tiến độ pháp lý dự án đã ảnh hưởng đến dòng tiền hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Vũ Lê