Ngày 23/8, tại UBND huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị phòng chống thiên tai, sạt lở đất ở miền núi, trọng tâm là khu vực thực hiện các dự án điện gió. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh mùa mưa lũ sắp bắt đầu, dự kiến có 3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến tỉnh này.
Trong khi đó, tại khu vực miền núi Quảng Trị, hiện có 29 dự án điện gió, với tổng vốn đầu tư gần 50.000 tỷ đồng đang xây dựng. Các dự án này phần lớn nằm ở đỉnh đồi núi. Nhà đầu tư mở đường, bạt taluy dương, đắp nền đường tạo taluy âm, nhiều vị trí có nguy cơ làm mất ổn định mái dốc... Đặc biệt, các bãi thải nguy cơ sạt trượt cao, có khả năng gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Theo ông Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Trị, một số dự án điện gió làm tốt phương án chống sạt lở như gia cố taluy âm bằng vải địa kỹ thuật, trải lưới xơ dừa kết hợp trồng tràm và cỏ voi... Tuy nhiên, nhiều dự án như Tài Tâm, Hoàng Hải, Amacao... có các bãi thải quy mô lớn, chưa xử lý gây nguy cơ sạt lở cao.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND Quảng Trị, đánh giá nguy cơ sạt lở tại các dự án điện gió ở miền núi là rất cao; do vậy chủ đầu tư cần thực hiện nghiêm đánh giá tác động môi trường, xây dựng kè chắn, khơi thông dòng chảy, quan trọng nhất là xanh hóa, trồng lại cây rừng.
Quảng Trị sẽ cảnh cáo, dừng các dự án không thực hiện phương án bảo vệ môi trường, phòng chống sạt lở. "Chúng tôi kiên quyết không để các dự án điện gió ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng của người dân, phát triển kinh tế phải đảm bảo an sinh, môi trường", ông Võ Văn Hưng nói.
Các dự án điện gió được yêu cầu gia cố bãi thải đất đào đặt trụ tuabin, lu lèn đảm bảo độ chặt trước khi tiếp tục đổ thải, lắp đặt thêm cống qua đường để tiêu thoát nước...
Về lâu dài, tỉnh Quảng Trị xây dựng các khu tái định cư, di dời dân ở những vùng nguy cơ cao đến nơi đảm bảo an toàn, trồng rừng thay thế ở các bãi thải, các mái taluy, đất trống ở dự án...
Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kịch bản sơ tán dân tương ứng với mức độ rủi ro thiên tai cấp 3, là cấp cao nhất với loại hình lũ quét, sạt lở đất, tương đương với mưa lũ lịch sử năm 2020. Năm ngoái, Quảng Trị xảy ra 2 vụ sạt lở đất nghiêm trọng, làm 28 người chết.
Phương án sơ tán dân được xây dựng ở 3 vùng riêng biệt, gồm vùng xảy ra lũ ống lũ quét sơ tán hơn 2.200 hộ với gần 9.000 dân; vùng sạt lở đất với 1.500 hộ và 7.000 người; vùng nguy cơ cao từ các dự án điện gió với 163 hộ và 750 người. Khu vực chịu ảnh hưởng chủ yếu ở 2 huyện miền núi Hướng Hoá, Đăkrông và một số huyện lân cận là Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ.
Sáng cùng ngày, tại dự án điện gió Hướng Tân, tỉnh Quảng Trị phát động lễ trồng cây xanh, kêu gọi các dự án trồng cây xanh trên các trục đường, bãi thải, đất trống dự án để tăng độ ổn định, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai.