Theo chỉ đạo, chủ tịch UBND các quận huyện phải kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; triển khai quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi trên địa bàn, trong đó cảnh báo người chăn nuôi phải báo khi phát hiện tình trạng xác gia cầm trên sông hồ, ao rạch để có biện pháp xử lý kịp thời.
Song song với việc tuyên truyền vận động, quận huyện phải tăng cường lực lượng kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia cầm trên địa bàn. Kiên quyết xử lý tịch thu, tiêu hủy các trường hợp vi phạm nuôi gà đá trong khu vực dân cư, chăn nuôi thủy cầm trái phép, kể cả các địa bàn giáp ranh. Phải chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu còn để tình trạng kinh doanh gia cầm sống trái phép, hoặc xảy ra trường hợp có người bị nhiễm bệnh từ gia cầm trên địa bàn.
Trong khi đó, Hà Nội lập 5 đội cơ động ứng phó. Khi nhận được tin báo có người bị lây bệnh cúm gia cầm, trong vòng 30 phút đến 1 giờ, các đội cơ động này sẽ lập tức lên đường đến ổ dịch.
Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng (Hà Nội) cho biết, mỗi đội có 10 thành viên. Đồng thời, mỗi quận, huyện cũng sẽ thành lập 2 đội, mỗi đội 5-7 người. Nhiệm vụ của các đội là xử lý triệt để các ổ dịch cúm gia cầm trên người: cách ly người mắc hoặc nghi; tư vấn điều trị dự phòng và giám sát những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân, với gia cầm bệnh; đưa người bệnh đi điều trị kịp thời.
Theo tiến sĩ Cảm, trong nước, dịch cúm gia cầm H5N1 đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát, trong khi đó dịch cúm A(H7N9) từ Trung Quốc cũng có nguy cơ xâm nhập rất lớn. Đây đều là những dịch cúm rất nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong cao. Vì thế, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh.
Để phòng lây nhiễm virus cúm từ gia cầm sang người, người dân không được vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc hoặc chưa qua kiểm dịch. Người chăn nuôi, chú ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ bằng thuốc sát khuẩn. Tuyệt đối không làm thịt gia cầm ốm, bệnh để ăn.
Khi tiếp xúc với gia cầm phải có các phương tiện bảo hộ gồm: găng tay, khẩu trang, ủng và quần áo bảo hộ; tốt nhất nên sử dụng loại khẩu trang y tế 2-3 lớp. Người dân khi giết thịt gia cầm cũng phải đeo găng tay, khẩu trang để phòng bệnh.
Những người có tiền sử tiếp xúc hoặc ăn thịt gia cầm ốm, chết, nếu có triệu chứng sốt cao, ho, khó thở phải khai báo với chính quyền địa phương và cơ quan y tế và đến bệnh viện. Không tự ý uống thuốc Tamiflu vì đây là loại thuốc điều trị phải có chỉ định của bác sĩ, nếu tự ý uống sẽ không hiệu quả, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến kháng thuốc.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), đến ngày 13/2, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở 6 tỉnh khắp từ Bắc vào Nam gồm Nam Định, Quảng Ngãi, Kon Tum, Khánh Hòa, Tây Ninh, Cà Mau.
Địa phương phải tiêu hủy số gia cầm lớn nhất đến nay là Khánh Hòa với 6.900 con, tiếp đó là Kon Tum hơn 5.200 con, Quảng Ngãi 1.850 con. Nhiều địa phương vùng dịch và lân cận đã tiến hành cấp phát vắcxin H5N1 để tiêm phòng bao vây ổ dịch. Việc tiêu độc khử trùng đang được tiến hành.
Ngoài cúm A/H5N1, ngày 13/2, Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát đã yêu cầu cấm nhập khẩu gia cầm từ Trung Quốc để phòng cúm A/H7N9. Làm hàng chục người Trung Quốc tử vong, H7N9 tồn tại trên gia cầm nhưng nguy hiểm hơn là không khiến gia cầm chết và không có triệu chứng lâm sàng.
Nhóm phóng viên