Nhìn lại hơn một năm chật vật tái cơ cấu dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex), tại lễ ra mắt sản phẩm sợi AnPoly sau 4 tháng hợp tác với đối tác trong nước khôi phục dự án, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nói, "việc vực dậy PVTex hơn một năm qua là cuộc đau đẻ vô cùng đau đớn".
"Cách đây mấy tháng PVTex còn là bệnh nhân chết lâm sàng, nhưng vừa rồi đã có nhịp tim đập trở lại khi tìm được đối tác phát triển kinh doanh, sản xuất. Chúng ta phải làm sao cùng nhau hồi sức cấp cứu để bệnh nhân này tự ngồi dậy, ăn uống được, tự đi, tự trả nợ...", Chủ tịch PVN nói.
Xác định "thay đổi để thành công, hoặc chấp nhận ra đi" cũng là khẩu hiệu được lãnh đạo đơn vị này đưa ra và không khó bắt gặp ngay từ cổng nhà máy này sau thời gian cơ cấu lại.
Theo ông Thanh, vướng mắc lớn nhất trong quá trình khôi phục lại PVTex là quyết toán hợp đồng với tổng thầu EPC. Sau nhiều nỗ lực, cuối tháng 10 vừa qua PVN và tổng thầu dự án đã đạt được thoả thuận "hai bên cùng thắng" khi không phải bồi thường, không cần giải quyết tranh chấp tại toà. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần có kế hoạch chiến lược phát triển 5 năm tới để có nền tảng đàm phán với các nhà tài trợ vốn, đối tác trong giãn, hoãn nợ...

Công nhân PVTex kiểm tra sợi bằng cảm quan trước khi đưa vào kho xuất hàng. Ảnh: H.T
PVTex là một trong số 5 dự án thua lỗ nghìn tỷ thuộc PVN của ngành Công Thương. Dự án này bắt đầu xây dựng cuối năm 2008 với tổng vốn đầu tư khoảng 325 triệu USD (7.200 tỷ đồng). Tháng 5/2014 PVTex đã chính thức vận hành thương mại với công suất 236 tấn xơ sợi một ngày, đạt 48% công suất thiết kế. Làm ăn thua lỗ khiến PVTex phải dừng vận hành từ 17/9/2015 đến nay, nhiều nhân sự phải nghỉ việc tạm thời.
Năm 2015, doanh nghiệp này lỗ 1.255 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 504 tỷ. Trước đó trong năm 2014, doanh thu của nhà máy cũng chỉ đạt 992 tỷ đồng, lỗ 1.085 tỷ.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương và PVTex đã tích cực tìm kiếm đối tác để vực dậy và tái vận hành nhà máy. Vì thế việc tái khởi động lại PVTex với 3 dây chuyền ban đầu và hiện 6 dây chuyền sau 4 tháng hợp tác với Tập đoàn An Phát Holdings, Công ty An Sơn và cho ra mắt sản phẩm sợi AnPoly được lãnh đạo PVN nhấn mạnh là dấu mốc quan trọng trong khôi phục lại hoạt động của nhà máy này.
Ở góc độ cơ quan chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa để các bên vực dậy PVTex và đây sẽ là hình mẫu triển khai các dự án khác.
Theo kế hoạch, đến cuối quý IV/2018, nhà máy sẽ tiếp tục nâng quy mô sản xuất sợi DTY lên 10 dây chuyền, và lên 29 dây chuyền vào quý I/2019. Dự kiến nhà máy này sẽ vận hành toàn bộ trở lại vào cuối năm 2019, đưa vào sản xuất thêm xơ PSF với công suất 400 tấn một ngày.
Cũng tại buổi lễ ra mắt, các bên đã đã ký kết được hợp đồng bao tiêu sợi Anpoly với một đối tác kinh doanh sợi, sản xuất vải trong nước để cung ứng cho thị trường phía Nam.
Anpoly là sản phẩm sợi xơ dài (Draw Textured Yarn - DTY) và là thành quả đầu tiên của quá trình hợp tác giữa APH/An Sơn và PVTEX trong quá trình tái vận hành nhà máy xơ sợi Đình Vũ.
Sợi Anpoly được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại của các nước G7, có chất lượng ổn định, chế độ chăm sóc khách hàng chu đáo... sẽ đảm bảo đáp ứng được những yêu cầu khắt khe nhất của khách hàng trong và ngoài nước.
Dự kiến, công suất hàng tháng của Anpoly sẽ đạt 400 tấn một tháng và trước mắt sẽ phục vụ nhu cầu của thị trường dệt may trong nước và dự kiến xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan.
Anh Minh