Ông Abbas được nhân viên an ninh hộ tống ra khỏi lễ tưởng niệm. |
Vụ việc xảy ra tối qua, khi Abbas đang nỗ lực kêu gọi các phe phái Palestine đoàn kết. Các nhân viên an ninh vội vàng đưa vị quan chức, lúc đó vẫn bình tĩnh, lên ôtô và rời đi. Đạn đuổi theo nhà lãnh đạo trong bóng tối. Rất may ông không hề hấn gì. Hai vệ sĩ của ông bị bắn chết. Ít nhất 4 người Palestine bị thương. Các tay súng biến vào trong đám đông khaỏng 10.000 người đang dự lễ tưởng niệm.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với truyền hình Palestine ngay sau vụ việc, vị quan chức cho rằng đây là chuyện bình thường. "Tình cảm đã thay đổi... Tôi chắc chắn vấn đề này không xuất phát từ nguyên nhân chính trị hay cá nhân". Abbas khẳng định đây không phải là một âm mưu ám sát nhằm vào ông
Abbas được coi là một nhân vật thực tế, theo đường lối ôn hoà, được Israel và Mỹ hậu thuẫn nhưng không được đa số người Palestine ủng hộ. Ông là ứng viên chính cho ghế đại diện cho Fatah trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 9/1/2005 tới. Những ứng viên tiềm năng khác bao gồm Thủ tướng Palestine Ahmed Korei, hiện nắm chức chủ tịch chính quyền Palestine, và Farouk Kaddoumi, được chỉ định đứng đầu Fatah sau khi ông Arafat qua đời.
Tại trụ sở Ramallah nơi ông Arafat yên nghỉ, chủ tịch lâm thời Palestine Rawhi Fattuh hôm qua cho biết, các ứng viên sẽ nêu ra các kế hoạch của mình trong thời gian 12 ngày, từ ngày 20/11. Chiến dịch tranh cử sẽ bắt đầu vào ngày 27/12 và kết thúc một ngày trước bỏ phiếu.
Palestine đã kêu gọi Mỹ và Liên minh châu Âu chấm dứt sự cản trở của Israel với việc tổ chức một cuộc bầu cử hoàn chỉnh, công bằng và tự do. Các hãng thông tấn đưa tin, vấn đề bỏ phiếu ở Palestine đã gây bất đồng trong nội các Do Thái. Ngoại trưởng Silvan Shalom cho rằng người Palestine sống ở Đông Jerusalem không nên bỏ phiếu vì nó có thể làm hại cuộc đàm phán về quy chế của thành phố. Tuy nhiên, Thủ tướng Ariel Sharon không chia sẻ quan điểm đó với lý do người Palestine ở khu vực này đã tham gia cuộc bầu cử năm 1996.
Trong khi đó, ông Korei khẳng định 228.000 người Ảrập ở Jerusalem cũng có quyền bỏ phiếu như bất kỳ người Palestine nào.
Nguyễn Hạnh (theo BBC, AP)