Động thái phê bình được lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đưa ra tối qua khi thời gian gần đây ca nhiễm cộng đồng ở Phan Thiết tăng nhanh trở lại, từ 25/9 đến nay ghi nhận 158 ca bệnh. Dịch bùng phát, thành phố lần thứ 2 thực hiện Chỉ thị 16, ảnh hưởng rất lớn đời sống người dân vì trước đó phải giãn cách kéo dài.
Hôm qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong đi kiểm tra thực tế việc thực hiện Chỉ thị 16 ở TP Phan Thiết. Tại đây, lãnh đạo tỉnh thấy một số phường xã chưa thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch. Nhiều người chưa rõ khu vực nào áp dụng Chỉ thị 16. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, người bán hàng rong tiếp tục hoạt động do chưa được nhắc nhở.
Việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của các đội tuần tra lưu động chưa nghiêm, nhiều nơi còn lỏng lẻo, qua loa, có lúc mất kiểm soát, nhất là tại chốt cầu Trần Hưng Đạo. Một số nhân viên trực chốt chưa nắm rõ quy định về kiểm soát người, xe cộ được di chuyển.
Công tác lấy mẫu xét nghiệm ở một số khu vực thể hiện sự chệch choạc. Tại một số phường xã, người dân chờ đến 8h30, có nơi chờ đến 10h, nhưng chưa có nhân viên y tế tới lấy mẫu, gây bức xúc và nhiều người bỏ về.
Ngoài việc bị phê bình, Chủ tịch UBND TP Phan Thiết được yêu cầu cần tận dụng "thời gian vàng" giãn cách xã hội nhanh chóng khống chế dịch ở địa bàn.
Đến nay, Bình Thuận đã ghi nhận 3.462 ca nhiễm. Trong đó, TP Phan Thiết có 924 ca, hiện 673 đã khỏi bệnh, 17 ca tử vong.
Thành ủy Biên Hòa (Đồng Nai) vừa điều chuyển công tác ông Nguyễn Minh Tiến, Bí thư Đảng ủy và ông Trần Quang Minh, Chủ tịch UBND phường Tân Hòa tới công tác tại UBND TP Biên Hòa do nhiều yếu kém trong công tác phòng chống Covid-19 thời gian qua.
Trước đó liên quan năng lực phòng chống dịch ở Biên Hoà, ông Trần Hữu Hậu, Trưởng phòng Y tế thành phố và bà Nguyễn Thị Minh Phượng, Bí thư Đảng ủy phường Tân Vạn cũng bị điều chuyển sang nơi khác. Hiện, Biên Hòa là địa phương cấp huyện còn "vùng đỏ" duy nhất của Đồng Nai, với gần 22.000 ca, chiếm khoảng 40% cả tỉnh.
Việt Quốc - Phước Tuấn