- Sau lần tăng sốc, giá xăng dầu lại làm người tiêu dùng thất vọng vì giảm nhỏ giọt vài trăm đồng. Ông nói sao về câu chuyện muôn thuở tăng nhiều giảm ít?
- Thực ra Chính phủ, doanh nghiệp cũng như các đơn vị nhà quản lý Nhà nước không ai muốn tăng giá xăng dầu. Giá tăng vì chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào giá quốc tế. Tất cả mọi đợt tăng giá là hệ quả của sự "nén" không chịu được nữa. Không ai muốn nhưng giá thế giới cứ lên, đến khi giá trong nước không chịu được nữa buộc phải tăng.
Khi giá xăng dầu lên tức là không có công cụ nào để dùng nữa. Thuế thì không thể giảm còn Quỹ Bình ổn âm. Nếu vận hành theo đúng Nghị định 84 tức là thuế và tất cả mọi thứ đều ổn định thì giá xăng dầu trong nước lên và xuống rất đều nhau. Chỉ cần giá thế giới lên 300 - 400 đồng là trong nước đã lên theo. Một thời gian sau nếu lại tăng tiếp, dù chỉ là 300 đồng cũng phải điều chỉnh, không ai đợi đến khi giá lên tới 1.000-1.500 đồng mới tăng. Khi giảm cũng như vậy, không ai đợi đến khi có lợi nhuận 2.000-3.000 đồng mới giảm, có cơ hội là phải giảm luôn.
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex): "Không ai muốn tăng giá xăng dầu". Ảnh: Petrolimex. |
- Vài ngày qua giá dầu thô thế giới liên tục hạ nhiệt, vậy cơ hội giảm giá bán lẻ trong nước thế nào thưa ông?
- Còn tùy vào cân đối của Chính phủ. Chính phủ đã nhất quán vận hành theo Nghị định 84, trong đó có phương tiện bình ổn giá là thuế. Câu hỏi đặt ra là vì sao thuế không đưa lên đúng mặt bằng cần thiết? Quỹ bình ổn đã âm, vậy Chính phủ có nạp vào không? Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ điều chỉnh.
Cơ hội giảm thì có nhiều nhưng thời điểm nào còn tùy thuộc vào từng mức độ ưu tiên giả sử như có yêu cầu điều chỉnh thuế không. Rõ ràng là hiện tăng, giảm giá xăng dầu theo Nghị định 84 không nhiều. Đúng ra mà nói, mức thuế cứ duy trì ở đó, quỹ bình ổn được tổ chức theo đúng quy định thì rõ ràng thị trường đã vận hành từ lâu rồi.
- Ông nhìn nhận thế nào trước ý kiến mỗi khi Quốc hội sắp họp, giá xăng dầu lại giảm?
- Cái này theo tôi là một sự trùng hợp rất ngẫu nhiên. Giá thế giới đang giảm. Tôi phải nhắc lại là nếu không điều chỉnh thuế thì giá trong nước sẽ có cơ hội giảm.
- Tại sao quan điểm vận hành xăng dầu theo giá thị trường được nhiều lần bàn đến nhưng thực tế khi giá quốc tế giảm, trong nước lại giữ nguyên?
- Trước khi nói về thời điểm cần giảm giá, xăng dầu trong nước không giảm thì phải nói tại sao lúc cần tăng, giá trong nước lại không tăng? Đấy là sự quản lý của Nhà nước vì không thể tăng giá khi CPI còn rất cao được.
- Ông nói xăng dầu là mặt hàng minh bạch nhất, trước đây Petrolimex thường xuyên công khai giá cơ sở nhưng nay lại không. Vì sao vậy thưa ông?
- Nếu mọi đầu vào ổn định thì giá cơ sở cần đăng lên. Nhưng nay thuế lên, mai xuống, nay thì trích quỹ bình ổn, mai lại không... Với một tính bất ổn định như thế thì không nên đăng giá cơ sở lên. Tôi cho rằng đăng lên sẽ khiến nhiều khách hàng không hiểu. Chắc chắn khi chính sách ổn định thì chúng tôi sẽ phải đưa giá cơ sở lên để người ta còn tiện theo dõi.
Bản thân tôi luôn khẳng định không có bất cứ một ngành hàng nào tại Việt Nam minh bạch như xăng dầu nhưng cái khó là quá nhiều thông số biến đổi như thuế, tỷ giá, lúc bù, lúc không... Nếu các thông số ổn định thì người bình thường chỉ cần nhân chia là có thể ra được giá bán xăng dầu.
- Bộ Tài chính cho biết tính đến cuối tháng 3, Quỹ bình ổn xăng dầu đang âm hơn 430 tỷ đồng. Một số chuyên gia cho rằng nên bỏ Quỹ bình ổn đi, ý kiến ông thế nào?
- Điều quan trọng là quỹ bình ổn được lập với mục tiêu gì. Quỹ bình ổn để bình ổn giá nên cần phải có nó. Mục tiêu xuyên suốt của chúng ta là muốn bình ổn nhưng cách bình ổn cần phải bàn. Quỹ bình ổn được các doanh nghiệp báo cáo công khai. Doanh nghiệp nhập bao nhiêu, bán bao nhiêu thì cứ nhân 300 đồng tiền quỹ bình ổn thì sẽ ra con số ngay. Điều quan trọng là nếu nó cứ bình bình thì chẳng ai quan tâm, nhưng vấn đề là quỹ lại đang âm. Thực ra về sau, quỹ sẽ được tích lũy dần dần.
Hoàng Lan