Chiều 28/6, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15.
Cử tri Bùi Đức Nhược (quận Thanh Khê) phản ánh giá điện tăng 3% từ tháng 5 ảnh hưởng đời sống người dân, trong khi ngành điện thua lỗ kéo dài và mới đây lại đề xuất tiếp tục tăng giá tháng 9 tới.
"Chúng tôi đề nghị thanh, kiểm tra toàn diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN", ông Nhược nói, nhưng đề xuất không nên để Thanh tra Bộ Công Thương, cơ quan chủ quản, thực hiện "vì không khách quan".
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đồng ý kiến nghị của cử tri về việc cần phải thanh tra toàn diện ngành điện. "Đây là nội dung nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu. Họp lãnh đạo chủ chốt, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng nêu vấn đề này và sắp tới sẽ làm rất nghiêm túc", ông nói.
Chủ tịch nước cho biết có hai hướng thanh tra ngành điện. Hướng thứ nhất đang thanh tra, kiểm tra chủ trương, trách nhiệm của Bộ Công Thương và sớm thông báo cho người dân biết. Hướng thứ hai thanh tra Tập đoàn Điện lực, trước mắt Thủ tướng giao Bộ Công Thương thực hiện.
"Cử tri đừng lo lắng giao Bộ Công Thương thanh tra thì không khách quan, xử lý không đầy đủ hay bỏ qua. Tôi khẳng định không có chuyện đó. Nếu Bộ thực hiện không nghiêm túc sẽ tiếp tục bị thanh tra, kiểm tra", Chủ tịch nước nói.
Trước đó, triển khai chỉ thị của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã lập đoàn thanh tra EVN từ 10/6 để làm rõ việc quản lý, cung ứng điện giai đoạn từ 1/2021 đến 6/2023. Cùng với lập đoàn thanh tra, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ đạo lập đoàn giám sát thanh tra. Quyết định này được đưa ra sau khi người dân các tỉnh thành miền Bắc trải qua nhiều ngày bị cắt điện, đối mặt nguy cơ "thiếu điện hầu hết giờ trong ngày".
Trả lời ý kiến của cử tri về khó khăn mua sắm thuốc, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh, Chủ tịch nước cho biết Quốc hội, Chính phủ cùng các cơ quan liên quan đã ban hành văn bản tháo gỡ. Nhưng chúng ta mới tháo gỡ được bước đầu, chưa căn cơ nên vẫn có nơi thiếu thuốc, một số loại phải mua giá cao và không được được bảo hiểm y tế chi trả. Ông cho rằng đây là vấn đề "mang tính giai đoạn trong quá trình phát triển, vận hành theo cơ chế" nên tin tưởng hoạt động này sớm trở lại bình thường.
Tiếp tục nhận được câu hỏi của cử tri về công tác phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhắc lại câu nói của ông tại các cuộc tiếp xúc trước: "Trong một vài lần tiếp xúc cử tri, tôi có nói đến hình ảnh 'mía sâu có đốt, nhà dột có nơi', và sâu chỗ nào, dột chỗ nào thì chúng ta xử lý chỗ đó. Việc này thời gian qua diễn ra đúng như vậy, thậm chí làm mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn".
Ông cho hay trước đây nhiều người nói phòng chống tham nhũng là "tắm từ vai trở xuống", tức chỉ xử lý những người trực tiếp liên quan đến thất thoát tài sản Nhà nước, tập thể. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta "xử lý đến trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý không sâu sát để bộ máy, cấp dưới vi phạm gây thất thoát".
Theo Chủ tịch nước, công tác phòng ngừa tham nhũng cũng đang được chú trọng. Đơn cử, sau mỗi vụ thanh kiểm tra, vụ án hay xử lý sai phạm đều có chỉ đạo hoàn thiện cơ chế pháp luật, "bịt lỗ hổng cơ chế" để cán bộ suy thoái không thể trục lợi hay phục vụ nhóm lợi ích.
Chủ tịch nước lưu ý việc cổ vũ, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm cần song hành với xử lý nghiêm cán bộ có tư tưởng bàn lùi, né tránh, sợ trách nhiệm, muốn an toàn, không làm gì. "Cán bộ, công chức thấy điều người dân, xã hội cần mà không làm thì xứng đáng bị xử lý", Chủ tịch nước nhấn mạnh.