Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM sáng 7/7, ông Lê Đức Hải (ngụ quận 4) nói rằng, dư luận rất xôn xao trước quần thể biệt thự của giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Yên Bái.
"Việc chuyển đổi 13.000 m2 đất rừng, đất trồng cây lâu năm... sang tài sản ông giám đốc sở đã vượt quá suy nghĩ và sự tưởng tượng của người dân. Đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan vào cuộc làm rõ để tạo niềm tin cho dân", ông Hải nói.
Còn bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho biết rất đau lòng khi 116 ha rừng phòng hộ ở Phú Yên đã bị xóa để làm sân golf, nhà hàng, khách sạn. "Người dân thành phố bức xúc, cả nước bức xúc, chỉ có quan chức ở Phú Yên là không đau xót vì việc này còn đem lại lợi ích cho họ", bà Hạnh phản ánh.
Bà cũng đề cập chuyện "cát tặc" tung hoành trên sông làm sạt lở nhiều căn nhà, khiến môi trường và đời sống người dân bị ảnh hưởng. "Mong đại biểu quan tâm, đề xuất hình thức xử lý để chấm dứt tình trạng lợi dụng các kẽ hở để tham nhũng, đục khoét tài nguyên quốc gia, tài sản nhà nước", bà Hạnh tha thiết.
Cử tri Đặng Thanh Bình (ngụ quận 1) cũng bày tỏ bức xúc về tình trạng xuất khẩu cát tràn lan trong khi thị trường trong nước khan hiếm. Theo ông, cát là tài nguyên quý, thành phần quan trọng trong hệ sinh thái, góp phần chống sạt lở. Các nước Đông Nam Á đã cấm khai thác nhưng nó đang bị khai thác tràn lan dưới danh nghĩa nạo vét lòng sông rồi xuất ra nước ngoài.
Hiện, giá cát đen trên thị trường là 350.000 đồng, cát vàng 500.000 đồng mỗi m3 - tức cao gấp 3 lần giá bán cho Singapore. Nhiều công trình ở phía Nam đã phải đình trệ tiến độ vì thiếu cát xây dựng… "Tôi kiến nghị Quốc hội có ý kiến mạnh mẽ về vấn đề này. Ngưng bán cát ra nước ngoài, để dành cho phát triển xây dựng hạ tầng cũng như các công trình trọng điểm trong tương lai gần, chẳng hạn như sân bay Long Thành", ông Bình kiến nghị.
Thay mặt tổ đại biểu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói rằng, thời gian qua Đảng và Nhà nước luôn quan tâm công tác đấu tranh chống tham nhũng. Tuy nhiên, tình trạng này diễn ra phổ biến, rất nghiêm trọng nên cần kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
"Cuộc đấu tranh này còn cam go và quyết liệt, cần rà soát bổ sung những giải pháp phòng ngừa, xử nghiêm những đối tượng tham nhũng để người khác không dám làm. Phải kê biên tài sản ngay từ đầu, khi vừa khởi tố vụ án, điều tra có đủ chứng cứ sẽ thu hồi ngay", ông Trần Đại Quang nói.
Trước lo lắng của cử tri về những dự án thua lỗ kéo dài, Chủ tịch nước cho biết kỳ họp Quốc Hội vừa qua đã chỉ đạo xử lý 12 dự án ở Bộ Công Thương, rà soát những dự án khác thua lỗ kéo dài.
Về vấn đề khai thác cát tràn lan, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, dừng các hợp đồng khai thác cát ra nước ngoài, chỉ những dự án nào phục vụ xây dựng mới được phép làm.
Trung Sơn