Sáng 28/11, phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lịch sử năm 40 tới 43 sau Công nguyên, có những vị ni sư đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và trở thành nữ tướng. Năm 544, vua Lý Nam Đế lãnh đạo quân dân đánh đuổi giặc phương Bắc, lập nên nước Vạn Xuân (544-602) đã xây chùa thờ Phật, đặt tên là Khai quốc (mở nước).
Từ triều đại Đinh, Tiền Lê đến Lý, Trần, thời nào cũng có cao tăng trí cao, đức trọng đứng ra giúp dân, giúp nước. Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, nhiều tăng, ni, cư sĩ, phật tử đã tham gia kháng chiến, có người anh dũng hy sinh.
Sau khi đất nước thống nhất, các tổ chức hệ phái Phật giáo cả nước được thống nhất thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đường hướng hành đạo là "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội". "Giáo hội Phật giáo luôn đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết các tôn giáo, khẳng định mối quan hệ không tách rời giữa đạo pháp và dân tộc", Chủ tịch nước nói.
Phát huy tinh thần từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha trong nhà Phật, Giáo hội các cấp và tăng ni, phật tử đã ủng hộ hơn 7.000 tỷ đồng cho người nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già neo đơn, dân vùng bị thiên tai, dịch bệnh. Khi Covid-19 bùng phát, hàng nghìn tăng ni, phật tử xung phong vào tuyến đầu chống dịch; trao tặng hàng chục triệu phần quà và suất ăn miễn phí.
Với triết lý "Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian pháp" và truyền thống "Hộ quốc, an dân" phù hợp với đời sống, đạo đức, văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam, Phật giáo đã được nhiều người dân đón nhận và tin theo. Ngày nay, Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất Việt Nam, có nhiều ảnh hưởng tích cực trong đời sống xã hội.
Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, bình đẳng giữa các tôn giáo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục đoàn kết tăng ni, phật tử trong và ngoài nước, chung tay xây dựng đất nước.
Trước đó, đọc diễn văn khai mạc đại hội, hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định thời gian qua toàn thể tăng ni, phật tử đã hòa hợp, nỗ lực, cố gắng vượt bậc để đạt nhiều thành tựu quan trọng. Một trong các thành tựu là tăng sự trang nghiêm, tăng ni đoàn kết; các kỳ an cư kết hạ (khóa tu) được tổ chức ở tất cả ban trị sự; tổ chức thành công hơn 70 đại giới đàn truyền thụ giới pháp cho 20.000 giới tử; hàng trăm nghìn phật tử được quy y tam bảo; chùa và cơ sở tự viện được mở mang xây dựng...
Trong đại dịch Covid-19, nhiều tăng ni, phật tử đã "cởi áo cà sa, khoác áo blouse", tình nguyện vào tuyến đầu chống dịch tại bệnh viện dã chiến, khu thu dung điều trị người nhiễm ở TP HCM và các tỉnh phía Nam. Nhiều chùa được dùng làm nơi cách ly tập trung. Tăng ni, phật tử còn chung tay mua sắm trang thiết bị y tế, phòng áp lực âm, xe cứu thương, thuốc cho bệnh nhân...
Quan hệ Phật giáo quốc tế được mở rộng "là một trong những thành tựu nổi bật nhiệm kỳ vừa qua".
Theo hòa thượng Thích Thiện Nhơn, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo ra thời cơ và thách thức với con người, quốc gia, dân tộc. Nhân loại cũng đang trải qua biến động lớn, diễn biến nhanh của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, xung đột, cạnh tranh.
Trước tình hình này, hòa thượng khẳng định tăng ni, phật tử sẽ không ngừng nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm giáo hội để chăm lo cuộc sống ấm no, hạnh phúc nhân dân.
Đại hội đại biểu toàn quốc Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ IX với chủ đề Kỷ cương, trách nhiệm, đoàn kết, phát triển, có hơn 1.000 đại biểu tham dự, diễn ra ngày 28 và 29/11.