Chủ tịch nước Tô Lâm sáng nay thăm Trường Song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du tại bản Dong Paleb, quận Chanthabouly, thủ đô Vientiane. Đây là công trình được Việt Nam hỗ trợ kinh phí xây dựng hơn 500.000 USD hồi năm 2005, nằm trên khu đất rộng hơn 10.000 m2 do chính phủ Lào cấp và hoàn thành năm 2008.
Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của gìn giữ, lưu truyền văn hóa - tiếng Việt cho thế hệ trẻ kiều bào, bởi tiếng Việt là sợi dây gắn kết lớp trẻ về với quê hương, cội nguồn, đề nghị các thầy cô tiếp tục truyền lửa cho học sinh Lào và Việt Nam.
Đọc câu thơ "Thiện căn ở tại lòng ta/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" trong truyện Kiều, Chủ tịch nước mong muốn các thầy cô xác định rõ giáo dục - đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần tôn trọng và chấp hành nghiêm luật pháp nước sở tại, góp phần thúc đẩy và vun đắp cho quan hệ hai nước.
Chủ tịch nước cũng mong các thầy cô tiếp tục khơi gợi và hun đúc cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, đặc biệt là giáo dục cho các em nhận thức và hiểu rõ về lịch sử truyền thống quan hệ đặc biệt Việt - Lào, về tinh thần đoàn kết và sự gắn bó bền chặt giữa nhân dân hai nước.
Chủ tịch nước Tô Lâm đã trao 30.000 USD hỗ trợ trường mở rộng khu mẫu giáo, bày tỏ mong muốn mô hình trường song ngữ Lào - Việt Nam sẽ tiếp tục được nhân rộng ở các địa phương khác của Lào.
Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du do Hội người Việt Nam thủ đô Vientiane quản lý, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và chỉ đạo về chuyên môn của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào.
Chương trình của trường gồm các lớp từ mẫu giáo đến trung học phổ thông theo thỏa thuận của chính phủ hai nước, giảng dạy song song hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Lào trên cơ sở khung chương trình của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào. Trường hiện có hơn 1.000 học sinh, trong đó 30% là con em người Việt, và khoảng 60 cán bộ, giáo viên.
Chủ tịch nước Tô Lâm hôm nay cũng đến thăm cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và gặp gỡ hơn 100 bà con là đại diện các tổ chức hội đoàn, doanh nghiệp người Việt tại Lào.
Chủ tịch nước hoan nghênh và đánh giá cao tấm lòng yêu nước và đóng góp quan trọng của kiều bào, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như đối với quan hệ hai nước, mong muốn bà con luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau làm ăn, sinh sống, tuân thủ pháp luật sở tại, đồng thời là cầu nối vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào.
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng cho biết hiện có khoảng 100.000 kiều bào Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại Lào, trong đó có gần 40.000 kiều bào sinh sống và làm việc tại thủ đô Vientiane.
Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp nhà nước đến Lào ngày 11-12/7 theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith. Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Tô Lâm kể từ khi giữ cương vị mới.
Việt Nam - Lào thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1962. Việt Nam hiện là một trong những nhà đầu tư, đối tác thương mại lớn nhất của Lào, có 255 dự án đầu tư tại nước này với tổng vốn 5,5 tỷ USD.
Trong cuộc hội đàm tại Vientiane sáng 12/7, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Sisoulith cho biết hai bên sẽ sớm đưa các nội dung của Bộ Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục của mỗi nước, phối hợp xây dựng các công trình và di tích lịch sử về quan hệ song phương, trong đó có Công viên hữu nghị Lào - Việt Nam tại Vientiane.
Sau khi kết thúc lịch trình tại Lào, Chủ tịch nước sẽ thăm cấp nhà nước Campuchia. Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho hay chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm thể hiện thông điệp Việt Nam "luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất" cho mối quan hệ với Lào và Campuchia.
Vũ Anh (Theo TTXVN)