Sáng 9/9, lễ đón Tổng thống Hàn Quốc Park Geum Hye được tổ chức tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức đón nguyên thủ quốc gia. Sau buổi lễ, bà Park Geum Hye đã hội đàm với Chủ tịch Trương Tấn Sang và hội kiến với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Park Geun Hye đã trao đổi ý kiến về các vấn đề hai bên cùng quan tâm như quan hệ song phương Việt Nam - Hàn Quốc, tình hình bán đảo Triều Tiên, khu vực và quốc tế; nhất trí tăng cường quan hệ đối tác hợp tác vì sự thịnh vượng chung và hạnh phúc của nhân dân hai nước.
Hai bên bày tỏ hài lòng về sự phát triển vượt bậc của quan hệ hai nước trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giao lưu nhân dân kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992; nhất trí thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc được thiết lập năm 2009 phát triển thực chất hơn và tiếp tục phối hợp chặt chẽ không chỉ đối với các vấn đề trong khuôn khổ song phương mà cả các vấn đề cộng đồng quốc tế đang đối mặt.
Lãnh đạo hai nước nhất trí nỗ lực tổ chức định kỳ hội đàm cấp cao dưới các hình thức như thăm song phương hoặc tiếp xúc nhân dịp các hội nghị đa phương; thúc đẩy hơn nữa giao lưu nhân sự cấp cao giữa Đảng, Chính phủ, Quốc hội hai nước.
Đối thoại chiến lược ngoại giao - an ninh - quốc phòng tổ chức tại Hà Nội tháng 3/2011 và tại Seoul tháng 8/2013 đã góp phần tăng cường sự hiểu biết và lòng tin chiến lược giữa hai nước và nhất trí tiếp tục tổ chức định kỳ cơ chế đối thoại này.
Cuộc đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội tháng 3/2012 là cơ hội bổ ích để hai bên trao đổi ý kiến về tình hình an ninh khu vực và hoạt động giao lưu hợp tác quốc phòng giữa hai nước; nhất trí tiếp tục làm sâu sắc hơn sự giao lưu hợp tác quốc phòng hai nước thông qua cuộc đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ hai dự kiến tổ chức tại Seoul tháng 11/2013.
Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường giao lưu hợp tác trong các lĩnh vực như đào tạo cán bộ quốc phòng, công nghiệp quốc phòng, chia sẻ kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình... góp phần duy trì hòa bình và ổn định khu vực và thế giới.
Trước việc hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỷ USD vào năm 2012 (sớm hơn 3 năm so với mục tiêu), hai bên nhất trí phấn đấu đạt kim ngạch 70 tỷ USD vào năm 2020 thông qua việc tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại song phương trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Hàn Quốc nhất trí về sự cần thiết thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang nước này. Cần thiết thúc đẩy đàm phán hướng tới ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) ở mức độ cao và toàn diện trong năm 2014, đồng thời cân nhắc đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai nước.
Việt Nam đánh giá cao đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc - một trong những đối tác đầu tư chính của Việt Nam, đang góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa và tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam; khẳng định sẽ tích cực nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư. Việt Nam cũng hoan nghênh các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo...
Hai bên đánh giá cao kết quả giao lưu hợp tác trong lĩnh vực tài chính thời gian qua, trong đó có sự tham gia tích cực của các công ty tài chính Hàn Quốc; nhất trí thúc đẩy các dự án hợp tác về xây dựng chế độ chính sách, hỗ trợ phát triển hạ tầng và nâng cao năng lực điều hành trong lĩnh vực lao động việc làm. Chương trình cấp phép việc làm triển khai từ năm 2004 đã góp phần phát triển kinh tế của mỗi nước nên hai bên sẽ cùng tích cực nỗ lực để sớm nối lại Chương trình cấp phép việc làm đã hết hạn năm 2012.
Hai bên hoan nghênh việc khởi động nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 6/2013 để nghiên cứu phát triển một nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam theo Đề xuất nghiên cứu chung tổng thể về hợp tác phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam vì mục đích hòa bình đã thống nhất vào năm 2011. Việc chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ phát triển điện hạt nhân của Hàn Quốc sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp hạt nhân của Việt Nam; sẽ tiếp tục hợp tác nhằm phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ được hỗ trợ tham gia các dự án hạ tầng năng lượng như dự án kho dự trữ dầu Dung Quất, xây dựng nhà máy nhiệt điện tại khu vực phía Nam Việt Nam. Hai bên cũng bày tỏ hoan nghênh việc ký kết Bản ghi nhớ thúc đẩy việc thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 giữa UBND tỉnh Thanh Hóa và Tổng công ty Điện lực Hàn Quốc.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dữ liệu không gian. Hàn Quốc cam kết hỗ trợ để xây dựng và mở rộng dự án hệ thống quản lý tổng hợp thông tin đất đai trên quy mô toàn quốc. Nhằm hạn chế những thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu, hai bên nhất trí xem xét thúc đẩy dự án chống sa mạc hóa tại khu vực miền Trung Việt Nam và các dự án trồng rừng hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc.
Cho rằng việc phát triển khoa học công nghệ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam, hai bên hoan nghênh việc ký thỏa thuận thành lập Viện Khoa học công nghệ Việt Nam (V-KIST) được thực hiện dưới hình thức dự án của Cơ quan hợp tác Hàn Quốc (KOICA) và nhất trí hợp tác để dự án này trở thành mô hình hợp tác phát triển thành công giữa hai nước.
Hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy "Chương trình hạnh phúc Việt Nam" - dự án phát triển tổng thể các địa bàn chậm phát triển của Việt Nam theo mô hình Phong trào làng mới của Hàn Quốc - nhằm nâng cao thu nhập dựa trên ý thức làm chủ của người dân, xây dựng nền tảng phát triển cân bằng, góp phần vào quá trình phát triển và trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020.
Đánh giá cao kết quả hợp tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải tại Việt Nam trong thời gian qua, hai bên hoan nghênh việc ký kết Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác về dự án xây dựng đường vành đai III TP HCM đoạn từ Tân Vạn đi Nhơn Trạch - dự án hợp tác công tư (PPP) đầu tiên sử dụng vốn EDCF, đồng thời nhất trí tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia vào dự án này.
Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực đa dạng như đào tạo ngôn ngữ, văn hóa nghệ thuật, thể thao và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực ngoại giao công chúng; tăng cường giao lưu thanh thiếu niên; tăng cường sự quan tâm và hỗ trợ cần thiết để các gia đình đa văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc trở thành cầu nối giúp người dân hai nước xích lại gần nhau. Phía Hàn Quốc xem xét các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam nhập cảnh nước này.
Phía Hàn Quốc bày tỏ lo ngại về các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên và khẳng định rõ không chấp nhận việc Triều Tiên sở hữu hạt nhân trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Hai bên nhất trí cho rằng việc phát triển vũ khí hạt nhân đe dọa hòa bình và ổn định ở Bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Á và trên thế giới; đồng thời kêu gọi Triều Tiên thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và cam kết quốc tế bao gồm các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Tuyên bố chung tại cuộc Đàm phán 6 bên ngày 19/9/2005. Phía Việt Nam hoan nghênh chính sách "Tiến trình xây dựng lòng tin trên Bán đảo Triều Tiên" của Tổng thống Park Geun Hye nhằm xây dựng nền hòa bình bền vững trên Bán đảo Triều Tiên và ủng hộ Sáng kiến hợp tác hòa bình Đông Bắc Á nhằm thúc đẩy hợp tác và xây dựng lòng tin ở khu vực châu Á.
Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN+3, Diễn đàn An ninh khu vực (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Liên hợp quốc... Việt Nam nhất trí hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc để tổ chức thành công Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hàn Quốc năm 2014 tại Hàn Quốc, kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN-Hàn Quốc.
Cho rằng cần tăng cường hợp tác Mekong-Hàn Quốc trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN, hai bên hy vọng việc Việt Nam tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Mekong-Hàn Quốc lần thứ 2 vào năm 2014 sẽ góp phần tăng cường hợp tác dân sự giữa hai khu vực. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải trên biển và cho rằng mọi tranh chấp trên biển cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Hai bên cho rằng chuyến thăm lần này có vai trò quan trọng, đưa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Tổng thống Park Geun Hye bày tỏ cảm ơn sâu sắc về sự đón tiếp trọng thị của phía Việt Nam và trân trọng mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm Hàn Quốc vào thời gian thuận tiện. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chân thành cảm ơn và nhận lời.
Nguyễn Lê