Ông Abe là người bạn lớn, thân thiết của Việt Nam và Việt Nam ghi nhớ những tình cảm, đóng góp của ông trong thúc đẩy quan hệ hai nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Fumio Kishida ở Tokyo hôm nay. Thủ tướng Kishida cảm ơn tình cảm và sự coi trọng của Việt Nam đối với ông Abe, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Hai lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác phục hồi kinh tế hậu Covid-19, xem xét thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên như cung cấp ODA thế hệ mới cho Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ Việt Nam công nghiệp hóa.
Thủ tướng Kishida thông báo Nhật Bản sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp kiểm dịch và cách ly sau nhập cảnh đối với Việt Nam, khôi phục chính sách miễn thị thực đối với hộ chiếu ngoại giao và công vụ. Ông Kishida khẳng định chính phủ Nhật đẩy mạnh cải thiện chính sách liên quan đến lao động người nước ngoài, trong đó có người Việt tại Nhật Bản, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Nhật Bản.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Hiroyuki Hosoda và Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Hidehisa Otsuji. Lãnh đạo lưỡng viện Nhật Bản cho rằng việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới dự quốc tang là cử chỉ đặc biệt, thể hiện tình cảm và sự trân trọng của Việt Nam dành cho ông Abe.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao thăm Nhật từ 25/9 đến 28/9 để dự quốc tang ông Abe, thủ tướng có thời gian nắm quyền lâu nhất lịch sử Nhật Bản.
Trong nhiệm kỳ, ông Abe đã 4 lần đến thăm Việt Nam. Chuyến thăm đầu tiên diễn ra vào năm 2006, khi ông tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hà Nội. Ông Abe khi đó 52 tuổi, vừa nhậm chức được hai tháng và là thủ tướng trẻ nhất của Nhật Bản trong thời kỳ hậu chiến.
Tháng 1/2013, Việt Nam trở thành nơi công du nước ngoài đầu tiên của ông Abe khi ông tái đắc cử vào cuối năm 2012, mở đầu giai đoạn cầm quyền liên tiếp 8 năm của ông.
Hai chuyến thăm còn lại của ông Abe diễn ra năm 2017, khi Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục củng cố "quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á" được thiết lập vào năm 2014. Ông cũng đánh giá cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế khi dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng vào cuối năm đó.
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch thương mại hai nước đạt 27,3 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021. Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, với tổng giá trị vay tính đến hết năm tài khóa 2020 là 25,7 tỷ USD. Nhật có gần 4.900 dự án FDI ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 65,4 tỷ USD. Khoảng 430.000 người Việt đang học tập, sinh sống ở Nhật Bản.
Huyền Lê