Góp ý báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước sáng 29/3, đại biểu Nguyễn Anh Sơn nhận xét, thời gian qua Chủ tịch nước đã thực hiện tương đối tốt nhiệm vụ. Báo cáo tổng kết của Chủ tịch nước đã nêu rõ 5 nhiệm vụ đối nội và một nhiệm vụ đối ngoại, trong đó nổi lên ba điểm sáng. Đó là cải cách tư pháp, thể chế hoá quy định của pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tế; hoạt động đối ngoại góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; trong hoạt động thực tiễn, Chủ tịch nước thể hiện sự gần gũi, chăm lo đời sống nhân dân.
Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Nam Định chia sẻ, có cử tri cao tuổi nói với ông rằng Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước khi đi xuống với dân thể hiện hình ảnh tốt đẹp của vị lãnh đạo cao cấp, tạo dựng niềm tin của người dân đối với chế độ và tương lai tươi sáng của đất nước. "Cả cử tri và tôi đều mong Chủ tịch nước cố gắng có được hình ảnh quy tụ và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc như những vị chủ tịch đầu tiên như bác Hồ, bác Tôn", ông Sơn nói.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể đại biểu Sơn cho rằng nhiều mặt hoạt động của Chủ tịch nước chưa thể hiện rõ quyền lực của người đứng đầu nhà nước trong đối nội, đối ngoại, như tư cách thống lĩnh quân đội, chủ tịch Hội đồng an ninh chưa rõ. Chức năng của Chủ tịch nước trong việc công bố luật của Quốc hội, pháp lệnh của Thường vụ Quốc hội chỉ là kết thúc khâu cuối cùng chứ chưa thực hiện các quyền như có thể xem lại luật, pháp lệnh chỗ nào chưa đúng.
Thứ hai là quan hệ của Chủ tịch nước với Chính phủ trong thực hiện quốc kế dân sinh, vấn đề quan trọng về kinh tế xã hội chưa rõ. "Cử tri phản ánh Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước khi đi gặp gỡ dân luôn thể hiện sự căm ghét những kẻ tham nhũng, thái độ rất rõ ràng, nhưng không biết Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước đứng ở vị trí nào, có quyền hạn gì trong trận chiến chống tham nhũng? Chủ tịch nước được làm gì, và làm được gì trong trận chiến này?", ông Sơn bày tỏ.
Về chủ quan, ông Sơn thấy Chủ tịch nước đã cố gắng hết sức mình thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến những hạn chế này. Đó là do quy định của hiến pháp dù đã rõ lên một bước nhưng chưa cụ thể, vì vậy Chủ tịch nước muốn làm cũng khó. Ông đề nghị trong nhiệm kỳ tới, Chủ tịch nước cần trình Quốc hội đưa việc xây dựng, ban hành luật chế định Chủ tịch nước vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Chủ tịch nước vừa có quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp nhưng không có chế định là chưa phù hợp.
Chế định này cần làm rõ với tư cách người đứng đầu các hoạt động đối nội đối ngoại của đất nước có phải là nguyên thủ quốc gia? Việt Nam có bao nhiêu nguyên thủ quốc gia? Và nguyên thủ quốc gia thì được làm những gì? Ngoài ra phải cụ thể hoá các nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong từng lĩnh vực, như thống lĩnh lực lượng vũ trang thế nào, đối nội, đối ngoại ra sao?
"Cuối cùng là cần kiện toàn bộ máy của Chủ tịch nước. Chủ tịch nước muốn làm phải có bộ máy phù hợp. Nếu sợ phình ra thì Chủ tịch nước có thể xây dựng bộ máy tư vấn giúp việc cho mình", ông Sơn nêu ý kiến.
Đại biểu Bùi Văn Phương đánh giá cao vai trò của Chủ tịch nước trong thực hiện nhiệm vụ và nêu gương trước Đảng, nhân dân. Tuy nhiên, như Chủ tịch nước đã nhận khuyết điểm, với cương vị của người đứng đầu nhà nước, những đóng góp và kết quả chỉ đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội chưa thể hiện rõ, nhất là việc ký các hiệp định vay nợ quốc tế, giám sát việc sử dụng nguồn vay thế nào cho hiệu quả, đảm bảo an toàn nợ công và trả nợ quốc gia.
Thứ hai là vai trò của Chủ tịch nước trong thống lĩnh lực lượng vũ trang được ghi trong Hiến pháp, nhưng thực tế mới thể hiện rõ ở phong, thăng, giáng chức tước, quân hàm, quân hiệu. Còn vai trò của Chủ tịch nước với việc xây dựng lực lượng, đề nghị quyết định về đầu tư nguồn lực tài chính, trang bị thiết bị kỹ thuật phục vụ quốc phòng an ninh chưa rõ. Đây cũng là hạn chế.
"Hiến pháp chỉ là quy định, Quốc hội hôm qua đánh giá sau khi Hiến pháp ban hành thì các bộ luật được sửa đổi đồng bộ nhưng quyền hạn của Chủ tịch nước khi thực thi lại vướng mắc. Các văn bản hướng dẫn để Chủ tịch nước thực hiện quyền của mình không được quy định rõ. Đây vừa là tồn tại của Chủ tịch nước nhưng cũng là do hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh", đại biểu Phương nhấn mạnh.
Vì vậy, đại biểu Phương kiến nghị Quốc hội nhiệm kỳ tới phải tập trung hoàn thiện thể chế về Chủ tịch nước, có quy định thể hiện tinh thần của Hiến pháp để Chủ tịch nước thực hiện đúng, đầy đủ trọng trách của người đứng đầu nhà nước, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chia sẻ, theo đánh giá của cử tri, Chủ tịch nước nhiệm kỳ qua đã gương mẫu trong lối sống, trong công việc, có tinh thần trách nhiệm cao, làm việc không mệt mỏi cho dân, cho nước. Đặc biệt, Chủ tịch nước đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đổi mới hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống tư pháp của đất nước; luôn gắn bó với cử tri, nuôi dưỡng được tình cảm cách mạng với nhân dân, có thái độ kiên quyết bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.
"Theo Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước có quyền tham dự các cuộc họp của Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, yêu cầu Chính phủ họp về các vấn đề mà Chủ tịch nước thấy cần thiết. Tuy nhiên, vừa qua việc này chưa thấy làm. Tôi đề nghị trong nhiệm kỳ tới, Chủ tịch nước với vai trò nguyên thủ quốc gia phải đóng góp nhiều mặt hơn trong nhiệm vụ của nhà nước, đặc biệt là quốc phòng, ngoại giao và có vai trò đặc biệt trong kiểm soát quyền lực", đại biểu Nghĩa góp ý.
Hoàng Thuỳ