Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ngày 16/11 (ngày 17/11 giờ Hà Nội) dự cuộc gặp các lãnh đạo cấp cao Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) tại thành phố San Francisco theo lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, theo thông cáo hôm nay của Bộ Ngoại giao.
Cuộc gặp có sự tham dự của nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ và đại diện của 14 nước gồm Mỹ, Ấn Độ, Brunei, Indonesia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản, Malaysia, Australia, Fiji, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Singapore.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh IPEF là nỗ lực chung nhằm tăng cường hợp tác, phối hợp giữa các nền kinh tế trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thay đổi, cơ hội và thách thức đan xen, đồng thời đề xuất ba định hướng lớn nhằm bảo đảm hợp tác IPEF phát huy tối đa tiềm năng và thực sự hiệu quả.
IPEF cần là cơ chế hợp tác mở, bao trùm, không phân biệt đối xử, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, hoan nghênh sự tham gia của các nước trong và ngoài khu vực, tương trợ và bổ sung các sáng kiến kết nối, liên kết kinh tế khu vực khác.
Hợp tác cần đáp ứng nhu cầu phát triển, cân bằng lợi ích của các bên, tôn trọng và tính đến sự khác biệt, đặc thù riêng mỗi nước, chú trọng hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực.
IPEF cũng cần khuyến khích đầu tư mới vào xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển đổi năng lượng sạch, sản xuất công nghiệp công nghệ cao tại khu vực.
Các lãnh đạo tham dự cuộc gặp đã đánh giá cao và ủng hộ những đề xuất của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Các lãnh đạo đã ghi nhận những tiến triển tích cực trong thảo luận, đàm phán về hợp tác thương mại, chuỗi cung ứng, kinh tế sạch và kinh tế công bằng, khẳng định mục tiêu xây dựng IPEF là một khuôn khổ hợp tác mở, bao trùm, linh hoạt, bền vững và năng động, đóng góp vào tương lai hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng cho mọi người dân.
IPEF cần đem lại lợi ích thiết thực cho các nền kinh tế, nhất là các nước đang phát triển, thông qua thu hút các nguồn tài chính và đầu tư mới vào khu vực.
Theo đó, hai quỹ tài chính mới sẽ được thành lập là Quỹ IPEF về khí hậu và Quỹ Tài chính xúc tác IPEF với số vốn ban đầu khoảng 30 triệu USD nhằm hỗ trợ các dự án về chuyển đổi kinh tế sạch. Các nước cũng sẽ thảo luận về thiết lập một số cơ chế hợp tác chuyên ngành như Chương trình Tăng tốc đầu tư IPEF, Đối thoại Khoáng sản thiết yếu và Diễn đàn đầu tư về Kinh tế sạch.
Các lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Lãnh đạo về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng sau cuộc gặp.
Sáng kiến IPEF được khởi động vào tháng 5/2022, khoảng 7 tháng sau khi được ông Biden công bố tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) năm 2021. Đây được coi là một trong các trụ cột chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Biden.
Không giống các khối thương mại truyền thống, những thành viên tham gia IPEF không phải đàm phán về thuế quan và tăng tiếp cận thị trường. Thay vào đó, sáng kiến này nhằm tích hợp các đối tác thương mại vào những tiêu chuẩn đã được nhất trí trong 4 lĩnh vực chính, gồm kinh tế số, chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng năng lượng sạch và các biện pháp chống tham nhũng.
Vũ Anh