Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là lãnh đạo đầu tiên phát biểu tại phần thảo luận phiên đối thoại giữa lãnh đạo các nền kinh tế APEC với các khách mời, gồm Tổng thống Colombia Gustavo Petro, Thủ tướng Fiji Sitiveni Rabuka và Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ Shri Piyush Goyal, theo thông cáo Bộ Ngoại giao.
Phiên đối thoại với chủ đề "Bền vững, Khí hậu và chuyển đổi năng lượng công bằng" diễn ra trưa 16/11 (sáng 17/11 giờ Hà Nội), là hoạt động đầu tiên của các lãnh đạo tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2023 đang diễn ra ở thành phố San Francisco, bang California. Đây là dịp để lãnh đạo APEC cùng các khách mời trao đổi về những thách thức chung của khu vực và thế giới, thảo luận các sáng kiến, giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác, cùng hành động vì mục tiêu phát triển bền vững.
Chủ tịch nước đề nghị APEC và các đối tác đẩy mạnh chương trình hợp tác về năng lượng tái tạo và xanh hóa các ngành công nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái và phục hồi tài nguyên, an sinh xã hội và chuyển đổi công bằng.
Ông kêu gọi các nước phát triển, đối tác quốc tế tăng cường chia sẻ thành quả khoa học - công nghệ, đóng góp tài chính, đưa Quỹ Tổn thất và Thiệt hại vào hoạt động để hỗ trợ nước đang phát triển, nước kém phát triển ứng phó biến đổi khí hậu. Hệ thống tài chính toàn cầu cần nâng cao khả năng cung cấp tài chính xanh và huy động hiệu quả nguồn lực từ khu vực tư nhân.
Lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách toàn cầu, đòi hỏi quyết tâm, trách nhiệm chính trị, sự đoàn kết của các nền kinh tế. Việt Nam coi ứng phó biến đổi khí hậu là ưu tiên trong quyết sách phát triển quốc gia và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, giảm phát thải metan, bảo vệ rừng và chuyển đổi năng lượng.
Chủ tịch nước chỉ ra Việt Nam là một trong ba quốc gia đang phát triển đầu tiên tham gia Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng với nhóm các đối tác quốc tế và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ hoàn thiện thể chế đến triển khai trong thực tế.
Theo Chủ tịch nước, đây là thời điểm tất cả nền kinh tế cần hiện thực hóa các cam kết lịch sử đã đưa ra để bảo vệ Trái đất và tương lai của các thế hệ mai sau.
Các lãnh đạo APEC đánh giá cao phát biểu của Chủ tịch nước, hoan nghênh những đề xuất và ủng hộ nỗ lực của Việt Nam hướng tới thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0, giảm phát thải nhà kính, chuyển đổi năng lượng.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong ngày 16/11 cũng đã trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhằm tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác.
Tại buổi tiếp Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim sáng 16/11 ở San Francisco, Chủ tịch nước mong muốn hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác, phấn đấu đạt kim ngạch 18 tỷ USD và chính phủ Malaysia quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal vào thị trường nước này.
Lãnh đạo Việt Nam đề nghị Malaysia tạo điều kiện cho Việt Nam vận động Liên minh châu Âu gỡ "thẻ vàng" đối với ngành thủy sản Việt Nam, tiếp tục phối hợp trong hoạt động hồi hương ngư dân Việt Nam.
Thủ tướng Ibrahim khẳng định Malaysia đặc biệt coi trọng và mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư, đào tạo nhân lực.
Tiếp Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng Việt Nam và Brunei còn nhiều dư địa để tăng cường quan hệ, đề nghị hai bên phối hợp thực hiện hiệu quả Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Brunei 2023-2027 với 4 lĩnh vực ưu tiên gồm hợp tác về dầu khí, hóa chất, sản xuất sản phẩm Halal và du lịch, giao lưu nhân dân.
Hai bên cùng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên Hợp Quốc và APEC, nỗ lực duy trì đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển vững mạnh, đoàn kết và tự cường.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Chủ tịch nước đề nghị hai bên tăng cường hợp tác giữa các địa phương, duy trì các cơ chế đối thoại hiện có về chính trị - ngoại giao, quốc phòng an ninh, kinh tế - thương mại.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Canada tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Canada, hỗ trợ Việt Nam tham gia tích cực và hiệu quả hơn trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình.
Thủ tướng Trudeau khẳng định Canada sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, giáo dục - đào tạo, quốc phòng an ninh và giao lưu nhân dân.
Chủ tịch nước chiều cùng ngày dự phiên khai mạc Đối thoại giữa các lãnh đạo APEC với các thành viên của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC). Đây là hoạt động thường niên để các lãnh đạo APEC trao đổi thẳng thắn, thực chất và lắng nghe kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp khu vực.
Như Tâm